Quản trị An ninh phi truyền thống và Phát triển bền vững trong thế giới VUCA và kỷ nguyên mới vươn mình của Việt Nam

 

 

 

Tóm tắt:

Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS = Management of Nontraditional Secuirty) là công tác đảm bảo sự an toàn, ổn định và phát triển bền vững cho các chủ thể quản trị và các đối tượng cần phải bảo vệ từ cá nhân tới cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là an ninh quốc gia trước các nguy cơ đe dọa có nguồn gốc phi quân sự. Trong thế giới VUCA {Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity)} Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi thách thức và tận dụng mọi cơ hội để vươn mình trong kỷ nguyên mới. Bên cạnh các lợi thế, thời cơ, thuận lợi đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Bài viết này nhận diện một số nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống của Việt Nam đang nổi lên và đề xuất các giải pháp quản trị an ninh phi truyền thống trong thế giới VUCA và kỷ nguyên mới.

Từ khoá: an ninh phi truyền thống, quản trị an ninh phi truyền thống, phát triển bền vững, thế giới VUCA, kỷ nguyên mới vươn mình

    I. Một số vấn đề về quản trị an ninh phi truyền thống gắn với phát triển bền vững tại Việt Nam

    1.1 Lịch sử đã chứng minh rằng con người không thể có cuộc sống ổn định và phát triển bền vững nếu như không có an ninh và một quốc gia cũng không thể phát triển bền vững nếu không đảm bảo được an ninh cho con người và doanh nghiệp và các tổ chức khác trong tất cả các lĩnh vực đời sống, sản xuất và kinh doanh, trong đó có các nguy cơ đe doạ an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

     An ninh truyền thống là trạng thái an ninh, an toàn, trong đó có sự ổn định, phát triển bền vững của một chế độ xã hội và độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia có liên quan đến các yếu tố bạo lực quân sự đe dọa quốc gia, dân tộc.

    Theo Hoàng Đình Phi và các cộng sự (2019, 2022) an ninh phi truyền thống là trạng thái về vật lý và tâm lý một chủ thể hay một đối tượng cần bảo vệ thực sự có được sự an toàn, ổn định và sự phát triển bền vững tại một thời điểm hay khoảng thời gian được xác định. An ninh phi truyền thống là tình trạng hay tình huống mà ở đó không có hiểm nguy cho cá nhân con người, xã hội, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các nguy cơ đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như: tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, mất an ninh môi trường (environment insecurity), mất an ninh nguồn nước (water insecurity), mất an ninh lương thực (food insecurity), tai biến do biến đổi khí hậu, mất an ninh sức khỏe và y tế, mất an ninh kinh tế, mất an ninh tài chính, mất an ninh doanh nghiệp, mất an ninh năng lượng… cùng hàng loạt các rủi ro khác đe dọa các lĩnh vự an ninh phi truyền thống từ ninh đô thị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo… đến an ninh giao thông, an ninh trường học, an ninh du lịch, an ninh hàng không, an ninh mạng, an ninh biển và hải đảo,… Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính khu vực hoặc toàn cầu, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học – công nghệ [1]. Hàng năm các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống đã làm các quốc gia mất đi từ 30-60% GDP.

    Ở cấp độ quốc gia thì mục tiêu quan trọng nhất của quản trị an ninh truyền thống (MTS = Management of Traditional Security) là đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Nhà nước, chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Còn mục tiêu của quản trị an ninh phi truyền thống (MNS = Management of Nontraditional Secuirty) là huy động được mọi nguồn lực có thể để nghiên cứu được, dự báo được và quản trị được tất cả các rủi ro và khủng hoảng để đảm bảo sự an toàn, sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội và tất cả các đối tượng cần được bảo vệ trong xã hội, bao gồm từ cá nhân tới gia đình, tổ chức, doanh nghiệp, con người, quốc gia. Chính vì vậy, vấn đề quản trị an ninh phi truyền thống đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần phát triển bền vững quốc gia.

    1.2 Ngày nay, thế giới, khu vực và ở Việt Nam thường xuyên đề cập tới cụm từ “Phát triển bền vững”

    Liên hợp quốc quan niệm mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Liên hợp quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 3 trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường.

    Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm 115 mục tiêu cụ thể trên 3 trụ cột: kinh tế-xã hội- môi trường[2].

    Trong định hướng phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn”; trong đó có quan hệ “giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (hay còn gọi là mối quan hệ giữa phát triển và an ninh”. Đây là một bài học lớn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra trong hơn 90 năm lịch sử vẻ vang và đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/09/2019 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia “Giữ vững An ninh quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững trên phạm vi cả nước, ở từng địa phương và từng lĩnh vực”[3] và được khẳng định trong Tuyên bố chung của hai Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc ngày 1/11/2022: “…Phát triển là sự bảo đảm của an ninh, là then chốt để giải quyết các vấn đề khó, thực hiện hạnh phúc cho nhân dân…” … “An ninh là tiền đề của phát triển”[4]. Trong các phát biểu chỉ đạo gần đây các đồng chí lãnh đạo nước ta cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa an ninh và phát triển “an ninh để phát triển, phát triển để đảm bảo an ninh”[5].

    Như vậy, trên nền tảng quan niệm chung của Liên hợp quốc và quan niệm phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, “an ninh” cũng là một trụ cột rất quan trọng, để trở thành 4 trụ cột phát triển bền vững: kinh tế-xã hội-môi trường- an ninh. Một số điểm cần chú trọng như kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh xã hội, an ninh con người; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. An ninh xã hội, an ninh con người được chú trọng, bảo đảm.

    1.3 Phát triển kinh tế xã hội và an ninh của Việt Nam trong thời gian vừa qua

    Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được định hình sáng rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn.

    Những kết quả đạt được qua gần 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

    Việt Nam đã xác định rõ quan điểm phát triển: Kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên.

    Ba trụ cột cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột này có mối quan hệ biện chứng, tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau trong thời kỳ đổi mới.

    Nền tảng của ba trụ cột là nhân dân, “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân là trung tâm”, dân vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ sở, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ.

    Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam được nâng lên trình độ cao hơn, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.

    Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, 2021-2023 tăng 8,94%.

    Tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mức đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn hơn, giai đoạn 2011-2015 là 34,75%, giai đoạn 2016-2020 là 46,04%, giai đoạn 2021- 2023 là 37,61%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.

    Bài học thành công của Việt Nam có nhiều và được đánh giá, phân tích dưới nhiều góc độ. Dưới góc độ Khoa học Quản trị và Khoa học An ninh, các thành công này có thể xem xét dưới 3 góc độ:

    Thứ nhất, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ kinh tế. Việt Nam đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh kinh tế, có thể gọi đây là An phú.

    Trên phạm vi quốc gia và các địa phương đã tập trung phòng ngừa, ứng phó nhiều nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp xảy ra. Vì vậy đã góp phần phát triển kinh tế. Hiện nay Việt Nam là một trong 15 quốc gia đứng đầu châu Á về kinh tế[6].

Hình 1. Dự báo 15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á năm 2025 [6]

    Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh xã hội, an ninh con người. Việt Nam đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người. Có thể gọi đây là An dân (An dân, yên dân, ấm dân).

    Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hiện nay, dân số thế giới khoảng 8,2 tỷ người, trong đó dân số Việt Nam cuối năm 2024 đạt khoảng 101 triệu người, đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 16 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ[7]. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Việt Nam luôn bảo đảm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, trong đó, chú trọng phát triển bền vững, xây dựng đô thị thông minh, xanh, thịnh vượng. An ninh xã hội, an ninh con người được chú trọng, bảo đảm.

    Thứ ba, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Có thể gọi đây là An điền.

    Để phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ môi trường với định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp xanh. Chú trọng lồng ghép vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi quốc gia và các địa phương. Đối với các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, ưu tiên các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp và đông dân cư. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực quan trắc môi trường.

    Thứ tư, Việt Nam còn là quốc gia có mức độ tội phạm thấp so với các nước trên thế giới, trung bình một năm xảy ra khoảng 50.000-100.000 vụ phạm pháp hình sự và đa số là tội phạm ít nghiêm trọng, không xảy ra các xung đột xã hội lớn, chưa xảy ra khủng bố lớn, có thể gọi đây là An bình. Tổ chức Best Diplomats (New York, Mỹ) đã đánh giá xếp hạng Việt Nam là một trong 10 nước thanh bình nhất châu Á với các chỉ số[8]: Chỉ số chung: 1,745; chỉ số tội phạm 41,8; chỉ số an toàn cho du khách là 58,2.

    Trên thực tế, bài học kinh nghiệm của Việt Nam nói chung các tỉnh Bình Dương, thành   phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh,v.v… cho thấy các địa phương này rất quan tâm tới kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh, gắn liền với phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống.

    Nhiều địa phương nước ta trong quá trình đổi mới đã đề ra các chương trình an ninh, an toàn cho phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình” Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”[9], “chương trình 3 giảm: giảm ma tuý, giảm tội phạm, giảm mại dâm”[10],… Thành phố Đà Nẵng năm 2000 đã ban hành chương trình “Thành phố 5 không” gồm không có hộ nghèo đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không tệ nạn ma túy trong cộng đồng, không giết người cướp của. Năm 2005, thành phố tiếp tục ban hành chương trình “Thành phố 3 có” gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Năm 2016, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chương trình thành phố “4 an”: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội,v.v…Đà Nẵng còn là địa phương cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất cả nước hiện nay đề ra Chương trình xây dựng “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030[11].Thành phố Hà Nội đề ra các chương trình “Người Hà Nội văn minh thanh lịch”, “Thành phố an toàn du lịch”[12], Vĩnh Phúc “điểm đến ấn tượng, an toàn”, “Người Vĩnh Phúc bình an, hạnh phúc”, “Quảng Ninh an toàn, thân thiện”,v.v…

    II. Nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong thế giới VUCA và trong kỷ nguyên mới của dân tộc

2.1 Thế giới VUCA

    Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập với 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

    Thuật ngữ VUCA được hình thành từ những năm 1980, khi Quân đội Hoa Kỳ sử dụng để mô tả các khu vực chiến trường phức tạp và nguy hiểm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. VUCA sau đó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm quản trị an ninh phi truyền thống, quản trị kinh doanh, để làm nổi bật tính chất khó lường, biến động và thử thách của môi trường thế giới mới.

    Bất ổn (Volatility): Môi trường thế giới thay đổi liên tục và không ổn định. Các yếu tố như xu hướng an ninh, thị trường, công nghệ, chính sách và kỳ vọng của bên liên quan có thể biến đổi bất ngờ.

    Không chắc chắn (Uncertainty): Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó trong việc dự đoán tương lai do thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ. Và các nhà quản lý, lãnh đạo phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn về nguồn lực, ngân sách, tiến bộ công nghệ và điều kiện mới.

    Phức tạp (Complexity): Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều biến số, chẳng hạn như các quy trình đan xen không tách bạch, mối quan hệ chồng chéo giữa các bên liên quan, có nhiều vấn đề cần giải quyết cùng lúc,… khiến cho việc quản lý trở nên phức tạp.

    Mơ hồ (Ambiguity): Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp không có được thông tin rõ ràng, không thể xác định rõ được sự thật về một vấn đề trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Có nhiều cách giải thích về  một tình huống, hoặc có nhiều mục tiêu và yêu cầu không được diễn đạt rõ ràng, hoặc có nhiều lời đồn đoán, giả định nhưng không có cơ sở chứng thực.

    2.2 Kỷ nguyên vươn mình

    Kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội – văn hóa – chính trị – tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên kỹ thuật số, kỷ nguyên vũ trụ. Còn trước đây là kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên cổ đại, kỷ nguyên trung cổ…

    Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

    Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

    Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

    2.3 Trong thế giới VUCA, trong kỷ nguyên mới bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đã, đang và sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống

    Tại phiên thảo luận với chủ đề “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh” tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới các nhà tiên phong tại Thiên Tân (Trung Quốc), sáng 27/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra 6 cơn gió ngược cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới cần phải vượt qua:

    Một là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

    Hai là hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài.

    Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia.

    Bốn các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu.

    Năm là các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất, có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài.

    Sáu biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

    Các “cơn gió ngược” trên cùng các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống đã và đang đe dọa các quốc gia trên thế giới, các vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống này không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, liên quan tới toàn nhân loại và Việt Nam trong thế giới VUCA và trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

    Thứ nhất, là các tội phạm xuyên quốc gia. Trung bình 1 năm trên thế giới các quốc gia phát hiện, điều tra khoảng 500 triệu vụ tội phạm. Thế giới có khoảng 200 triệu người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát. Khoảng 1/10 số tội phạm trên thế giới ngày nay là tội phạm có tổ chức. 1/2 tội phạm có tổ chức trên thế giới ngày nay là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hoặc tội phạm có tổ chức có yếu tố nước ngoài. Chỉ tính 10 năm 2013- 2023 trên thế giới đã xảy ra hơn 1 vạn vụ khủng bố các loại, trong đó điển hình là vụ khủng bố ngày 11/09/2001 xảy ra ở nước Mỹ.

    Việt Nam sau khi trở thành thành viên của WTO và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới có nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Những cá nhân và tổ chức tội phạm quốc tế đã và đang lợi dụng xu thế hội nhập, hợp tác đa phương của Việt Nam với các nước để tiến hành các hoạt động tội phạm ngay trên lãnh thổ Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam làm địa bàn trung gian. Tội phạm trong nước cũng tăng cường móc nối với tội phạm ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động phạm tội. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam có xu hướng tăng dần về cả số vụ, việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức mang tính xuyên quốc gia. Nổi lên là:

    •  Tội phạm ma túy xuyên quốc gia: Từ năm 2013 – 2023 trên toàn quốc đã phát hiện 200.644 vụ phạm tội về ma túy. Từ 2013 -2023 đã khám phá 287 vụ, bắt 588 đối tượng phạm tội về ma túy có liên quan nước ngoài. Chỉ riêng vụ án vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam liên quan đến 4 tiếp viên hàng không bị bắt giữ ngày 16/03/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra mở rộng triệt phá 500 đường dây tội phạm, băng nhóm, khởi tố hơn 1.000 bị can, thu giữ 316kg ma túy, 10 khẩu súng… với số tiền giao dịch lên đến 28.000 tỷ đồng.

  • Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài: Từ 2013 – 2023 trên địa bàn cả nước điều tra, khám phá 4025 vụ, khởi tố 5889 bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài. Trong số này có 445 vụ, 507 bị can mua bán trẻ em ra nước ngoài. Có 526 trẻ em bị mua bán.
  • Tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép.
  • Tội phạm sản xuất, buôn bán tiền giả, hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, lừa đảo kinh tế, trốn thuế xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, thương mại điện tử.
  • Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
  • Tội phạm do người Việt Nam ở nước ngoài gây ra.
  • Tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam hoặc gây án ở nước ngoài trốn sang Việt Nam: Hiện nay, có gần 400.000 người nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam (trong đó số người mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc chiếm khoảng 40%). Nhiều đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động phạm tội mới như lừa đảo bằng thẻ tín dụng, lừa đảo thông qua việc thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng Internet, tội phạm sử dụng công nghệ .Từ 2013 – 2023 đã phát hiện, bắt giữ 314 đối tượng người nước ngoài bị truy nã trốn sang Việt Nam.
  • Hoạt động khủng bố liên quan đến Việt Nam.

    Thứ hai, An ninh kinh tế Việt Nam. An ninh kinh tế là sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên an ninh kinh tế là sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Bất cứ yếu tố nào tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế đều là nguy cơ, thách thức, mối đe dọa đến an ninh kinh tế. Ở cấp độ vĩ mô đó là các hoạt động có thể ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế, ví dụ các bất ổn vĩ mô như lạm phát, mất giá nội tệ, bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nhập siêu… và ở cấp độ vi mô là các vấn đề bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một ngành nghề, một doanh nghiệp, tội phạm kinh tế, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh mạng (tác động đến doanh nghiệp)…

    Có thể xác định một số nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam như sau:

  • Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
  • Nguy cơ chệch hướng XHCN trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
  • Nguy cơ mất cân đối các biến số vĩ mô đe dọa an ninh kinh tế như: tăng trưởng chưa bền vững; nợ công; trong phát triển kinh tế, nếu có những chính sách, biện pháp không phù hợp rất dễ bị bên ngoài can thiệp. Bài học chính quyền Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ năm 2020 và đến nay tuy không quy kết Việt Nam “thao túng tiền tệ” nhưng vẫn đưa Việt Nam vào danh sách “giám sát tăng cường về tài chính” là một bài học kinh nghiệm quý về giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa về an ninh kinh tế nói chung, an ninh tài chính nói riêng.
  • Nguy cơ bất ổn xã hội từ tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, xây dựng, triển khai các dự án, đề án kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng TW và địa phương đã khởi tố, điều tra 300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

    Thứ ba, An ninh mạng, an ninh thông tin và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao trên thế giới. Tại Việt Nam, đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng; đứng đầu Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 8 khu vực Châu Á, thứ 30 thế giới về địa chỉ IPv4. Chính phủ điện tử đã được triển khai rộng khắp các địa phương, làm giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang nỗ lực trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minh để tạo môi trường sống tốt hơn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

    Tuy nhiên, sự phát triển của không gian mạng cũng làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh quốc gia cũng như an toàn, lợi ích của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.

    Từ năm 2013 – 2023 trên địa bàn cả nước đã phát hiện, xử lý 62.006 vụ tấn công mạng và khởi tố, điều tra 4398 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao.

    Thứ tư, An ninh môi trường, an ninh nguồn nước và các thảm hoạ thiên nhiên.Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước và các thảm hoạ thiên nhiên đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng. Sự tổn hại này đã ảnh hưởng đến sự vận động quan hệ quốc tế của thế giới, khu vực cũng như ở nước ta hiện nay và trong tương lai. Từ 2013 – 2023 đã phát hiện, xử lý 122.911 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các xâm phạm an ninh môi trường chủ yếu là: ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sư cố môi trường, chất thải nguy hại, xâm phạm rừng, xâm phạm quy hoạch bảo vệ môi trường, v.v…

    Thứ năm, An ninh y tế. Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam đã đáp ứng được 92% nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) đối với phụ nữ đã có chồng. Tốc độ gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh (GTKS) cũng bước đầu được khống chế. Nếu tỷ lệ GTKS năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái thì sau 5 năm, tỷ lệ này đã được khống chế ở mức 113 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên mất cân bằng giới tính vẫn đang ở mức báo động.

    Sau khi bắt đầu thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9%, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 – 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 – 19,9%. Từ 2054 – 2069, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 – 29,9%. Việt Nam cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm…

    Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay cũng diễn biến rất phức tạp.

    III. Đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản trị an ninh phi truyền thống trong thế giới VUCA và trong kỷ nguyên mới vươn mình

    Trong môi trường VUCA, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm:

    Khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn: Môi trường kinh doanh thay đổi liên tục và khó dự đoán khiến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn và đưa ra quyết định sáng suốt.

    Gia tăng rủi ro: VUCA làm gia tăng rủi ro về nhiều mặt, bao gồm rủi ro hao hụt tài chính (do biến động giá nguyên vật liệu, thay đổi tỷ giá hối đoái, tăng lãi suất ngân hàng,…), rủi ro đánh mất thị phần, rủi ro đánh mất khách hàng và rủi ro truyền thông.

    Giảm khả năng cạnh tranh: VUCA có thể khiến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh nếu không kịp thời ứng phó các biến đổi của thị trường, chẳng hạn như xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh, cạnh tranh về giá cả,…

    Giảm sút năng suất lao động: Môi trường VUCA có thể gây ra tình trạng căng thẳng, lo lắng, làm giảm sút tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế, làn sóng sa thải lan rộng.

    Khó thu hút giữ chân nhân tài: cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài nếu không thể đảm bảo cho họ một môi trường làm việc ổn định, an toàn và phát triển.Mặc dù VUCA không phải là một môi trường kinh doanh lý tưởng, nhưng ngoài những thách thức, nó cũng đem đến cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp một số cơ hội, bao gồm:

    Thúc đẩy sự đổi mới: Sự biến đổi nhanh chóng và tính không chắc chắn của môi trường là chất xúc tác thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát huy tư duy sáng tạo và đổi mới, giúp họ tìm ra các giải pháp thích ứng, chẳng hạn như cải tiến sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh.

    Nâng cao năng lực quản lý: Để thành công trong môi trường VUCA, các nhà lãnh đạo cần có khả năng thích ứng linh hoạt và định hướng thông minh cho tương lai. VUCA chính là nền tảng giúp cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận diện những nhà quản lý quyết đoán, dám nghĩ dám làm, và có khả năng dẫn dắt tổ chức vượt qua thách thức.

    Củng cố năng lực cạnh tranh: Trong môi trường VUCA, khách hàng có nhiều lựa chọn và yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm và dịch vụ. Điều này buộc doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng vượt trội. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trước các đối thủ sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

    Cải thiện văn hóa cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: Môi trường VUCA đòi hỏi tất cả các thành viên trong tổ chức phải có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động học hỏi và sáng tạo để hỗ trợ cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, đây là cơ hội để doanh nghiệp “lột xác”, xây dựng một môi trường làm việc mới tiên tiến và cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo, gắn kết nhân viên và thu hút nhân tài.Dựa vào các phân tích ở trên, để tăng cường mối quan hệ giữa phát triển và an ninh trong điều kiện thế giới VUCA và trong kỷ nguyên mới, các tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, Trung ương cần nghiên cứu tổng kết mô hình phát triển của tỉnh tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh có tăng trưởng kinh tế cao để lựa chọn mô hình phát triển của Việt Nam với 4 trụ cột: Kinh tế-xã hội-môi trường-an ninh.

   Về phát triển bền vững cần có quan niệm mới về phát triển bền vững trên 4 trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường-an ninh (an ninh phi truyền thống)[13]. 4 trụ cột phát triển bền vững Việt Nam: Kinh tế phát triển bền vững; Xã hội phát triển bền vững; Môi trường phát triển bền vững; An ninh bền vững: Kinh tế – Xã hội – Môi trường – An ninh [14] .

 

Nguồn: Viện An ninh phi truyền thống (INS)

Hình 2. Phát triển bền vững [14]

    Thứ hai, trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng kết mô hình phát triển của các tỉnh, thành phố để hoàn thiện và phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về các mối quan hệ lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn mối quan hệ giữa an ninh và phát triển.

    Một trong những vấn đề lý luận mà Đảng ta đặc biệt quan tâm là giải quyết các mối quan hệ lớn dưới góc độ lý luận và thực tiễn.

    Sau khi đề ra đường lối đổi mới, trong giai đoạn 1986 – 1996, Đảng đề xuất và giải quyết 05 mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới với ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những mối quan hệ trên đã được từng bước hoàn thiện nhận thức và giải quyết trong thực tiễn, góp phần vào sự ổn định đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

    Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng nêu 08 mối quan hệ lớn. Đó là: (1) giữa đổi mới, ổn định và phát triển; (2) giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (6) giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; (7) giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (8) giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

    Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định lại 08 mối quan hệ lớn đã được nhận thức và bổ sung thêm 01 mối quan hệ lớn, đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những nhận thức, bổ sung mới về các mối quan hệ lớn. Đó là điều chỉnh trật tự mối quan hệ “giữa đổi mới, ổn định và phát triển” thành “giữa ổn định, đổi mới và phát triển”; bổ sung mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, thành “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”; điều chỉnh mối quan hệ “giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thành “giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; điều chỉnh mối quan hệ “giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, thành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhân dân làm chủ”. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng bổ sung mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, hợp thành chỉnh thể hệ thống mười mối quan hệ lớn có tính quy luật của đổi mới và phát triển của Việt Nam.

    Qua nghiên cứu thực tiễn an ninh phi truyền thống Việt Nam và tỉnh Bình Dương cho thấy mối quan hệ giữa an ninh và phát triển rất cần được tổng kết, bổ sung theo “… Phát triển là sự bảo đảm của an ninh, là then chốt để giải quyết các vấn đề khó, thực hiện hạnh phúc cho nhân dân…”… “An ninh là tiền đề của phát triển”.Từ đó mối quan hệ “giữa ổn định, đổi mới và phát triển” cần phát triển thành mối quan hệ “giữa an ninh, đổi mới, phát triển”.

    Thứ ba, Bên cạnh các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, đề nghị các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng tới định hướng phát triển một “Tỉnh, thành phố bình an”, có thể thông qua hình thành các Đề án, chương trình, hay lồng ghép vào các hoạt động của tỉnh với 5 mục tiêu An ninh xã hội, An ninh con người, An ninh kinh tế, An ninh môi trường, An toàn an ninh mạng đến năm 2030 và 2045 với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành quốc gia đáng sống, giàu mạnh, phát triển bền vững của thế giới.

    Thứ tư, Tập trung xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống trên địa bàn toàn quốc và các địa phương. Mỗi tình huống ANPTT cần xây dựng kịch bản ứng phó với các hoạt động: phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển.Tư tưởng chỉ đạo: Tập trung thống nhất của Trung Ương, của Tỉnh ủy (Thành ủy), UBND tỉnh ( UBND thành phố). Phương châm: 3 sẵn sàng, 4 tại chỗ. Thực hiện Chu trình Quản trị An ninh phi truyền thống “2 giai đoạn” (Phòng ngừa, ứng phó) với “5 bước” (phòng ngừa, giảm nhẹ/ thích ứng an toàn, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển) và “4 tại chỗ”.

   Phát huy các thành tựu của gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái thành công, phát triển, trưởng thành trong thế giới VUCA và vươn mình trong kỷ nguyên mới.

________________________

Tài liệu tham khảo:

  1. Alan Dupot (2001), Transnational Threats, East Asia Imperilled – Transnational Challenges to Security, Cambridge University.
  2. Andrew Staniforth (2013), Blackstone’s Counter-Terrorism Handbook, third Edition, Oxford University Press, UK.
  3. Anton Grizold (1994), The Concept of National Security in the Contemporary World, International Journal on World Peace, 11, No3, September 1994, pp 37-53, Published by Paragon House, https://www.jstor.org/stable/20751984
  4. ASEAN (2002), “Joint Declaration of ASEAN and China on Cooperation in the Field of Non-Traditional Security Issues” adopted at the 6th ASEAN-China Summit Phnom Penh,Cambodia on November 4, 2002.
  5. Barry Buzan (1971), People, States and Fear: An Agenda for International Security Studies in the Post – Cold War Era, Boulder, CO: Lynne
  6. Barry Buzan (1994), New Patterns of Global Security in the 21st Century, in William Olson (ed.): The Theory and Practice of International Relations, 1994 edition.
  7. Buzan B, Waever O, De Vilde J (1998), Security as a New Framework for Analysis,
  8. Bill McSweeney (1999), Security, Identity and Interests, Cambridge Press, 1999.
  9. Carol Hayden, Hai Ngoc Nguyen, Liztwigg (2017), Explaining the Offending Behaviour of Young People on Educational Programmes Incarcerated in Educational Institutions in Vietnam, SAGE Journals ( Criminology & Criminal Justice), Volume 17, Issue 3, https://doi. org/10.1177/1473225417716100, July 4,2017.
  10. Chen Xiangyang, Seize the Opportunity to Plan China’s national Security Strategy for the New Era, Liaowang Weekly Magazine, The Center for Strategic Translation, March 2023
  11. Consortium of Non-Traditional Security Studies in Asia (2003), Security Beyond Borders, Nanyang Technological University, Singapore.
  12. David A. Baldwin (1997), The Concept of Security, Review of International Studies, Vol 23. No 1, Jan.1997, pp 5-26, Published by Cambridge University Press, https:// www.jstor. org/stable/20097464.
  13. David Capie và Paul Evans (2002), The Asia – Pacific Security Lexicon, Singapore: ISEAS.
  14. Divya Srikanth (2014), Non-Traditional Security Threats in the 21st Century: A review, International Journal of Development and Conflict, No4, 60-68.
  15. George, B., VUCA 2.0: A Strategy for Steady Leadership in an Unsteady World, Forbes Magazine, published 17 February 2017, accessed,3 September 2019.
  1. GOVT 2617, Introduction on Non- Traditional Security, Faculty of Arts and Social Sciences, The University of Sydney, Australia.
  2. Henning Borchers: “ASEAN’s Environmental Challenges and Non-Traditional Security Cooperation: Towards a Regional Peacekeeping Force?”, -ASEAS-Austrian Journal of South-East Asian Studies, 7(1), 5-20.
  3. Hoang Dinh Phi, Nguyen Van Huong, Hoang Anh Tuan, Nguyen Xuan Huynh (2019), Management of Nontraditional Security: A New Approach, International Journal of Engineering, Applied and Management Sciences Paradigms (IJEAM), Volume 54 Issue 1 April 2019 253 ISSN 2320-6608.
  4. Hoang Dinh Phi, Nguyen Xuan Ky, Hoang Anh Tuan, Nguyen Quynh Huy (2022), Management of nontraditional security for Vietnam’s sustainable development: an integrated approach, Sustainability: Science, Practice and Policy, 18:1, 696-709.
  1. Joern Dosch (2006), The Concept and Management of Non-traditional Security in Southeast Asia, Sicherheit und Friden (S+ F)/Security and Peace, Vol 24, No 4, Themenschwerpunkt:
  2. John Kirton: The Seven – Power Summit as a New Security Institution, http://www.g7.utoronto. ca/g7/cholar/kirton199301/kir4.htm.).
  3. International Security in a Global Age, Economic & Social Research Council, http://www. ac.uk/esrccontent/reseachfunding/global-age. asp.).
  4. Katija Franko Aas (2013), “Globalization & Crime”, second edition, SAGE Publications Ltd, London, UK.
  5. Ken Boot (1991), Security and Emancipation, Review of International Studies
  6. Tô Lâm, Đề cương bài giảng tại lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 10 năm 2024.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *