Tóm tắt
Các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà lãnh đạo, học giả, chuyên gia, doanh nhân và người dân tại tất cả các quốc gia. LHQ và các quốc gia đã cam kết phấn đấu thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bao trùm mọi lĩnh vực và mọi hoạt động của con người trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo thì trong tương lai thế giới loài người phải ứng phó với các rủi ro và mối nguy gia tăng từ chiến tranh quân sự và thương mại; xung đột tôn giáo; chủ nghĩa bảo hộ thương mại; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; già hóa dân số; cạn kiệt tài nguyên; thiếu hụt năng lượng, lương thực, nước sạch, thuốc chữa bệnh… Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù không có chiến tranh, nhưng đang xảy ra tình trạng mất an ninh cá nhân, an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh sức khỏe, an ninh năng lượng, an minh việc làm, an ninh sinh kế, an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh giáo dục, an ninh văn hóa, an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia cần phải “đổi mới chính sách” và “nâng cao năng lực’’ để có thể vừa quản trị phát triển vừa phòng ngừa với các rủi ro và ứng phó với các mối nguy và khủng hoảng đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia trên rất nhiều trụ cột khác nhau, vượt qua khuôn khổ của 3 trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Bài viết này giới thiệu một cách tiếp cận mới mà các chủ thể lãnh đạo, quản trị và điều hành khu vực công cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và từng bước nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia để đảm bảo cho quốc gia liên tục phát triển bền vững.
Từ khoá: phát triển bền vững, phát triển bền vững quốc gia, quản trị phát triển bền vững quốc gia, năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia.
- Cách tiếp cận tích hợp về Quản trị phát triển bền vững quốc gia
Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững đã được các nước thông qua vào tháng 9 năm 2015. Các quốc gia đã cam kết nỗ lực thực hiện thông qua các chính sách và chiến lược phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường (Liên Hợp quốc, 2015). Kể từ khi thông qua các cam kết, 17 mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) trong chương trình nghị sự đã thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả. Các nghiên cứu đã tập trung vào làm rõ các mối quan hệ, sự đánh đổi giữa các mục tiêu phát triển hoặc đo lường các mục tiêu phát triển với các cấp độ và bối cảnh khác nhau (Allen và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững lại đang gặp nhiều trở ngại do các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19, các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, cạnh tranh đầu tư – thương mại, mâu thuẫn xã hội, tội phạm môi trường, tội phạm mạng… Chính vì vậy, mà nhiều quốc gia đã gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững như đã cam kết của chương trình nghị sự 2030 (Sachs và cộng sự, 2019).
Khi nghiên cứu về phát triển bền vững của một quốc gia thì vấn đề an ninh bao gồm cả an ninh phi truyền thống và các mối nguy được tích hợp và nhìn nhận qua các khía cạnh liên quan đến sự tồn tại và phát triển của nhà nước hay quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, chủ đề an ninh, trong đó an ninh phi truyền thống có mối quan hệ đặc biệt tới phát triển bền vững. An ninh phi truyền thống, bao trùm an ninh con người, tổ chức, doanh nghiệp, an ninh quốc gia đang đứng trước các mối đe dọa như: khủng bố, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, và di cư bất hợp pháp (United Nations Development Programme 2004; Buzan and Hansen 2009; World Bank 2011; United Nations 2015; Caballero-Anthony 2016; World Health Organization 2021). Xét về khái niệm, an ninh phi truyền thống chính là sự an toàn, sự ổn định và bền vững của các chủ thể hay đối tượng cần phải bảo vệ như nhà nước, con người, doanh nghiệp, và môi trường (Hoàng Đình Phi và cộng sự, 2019). Với sự nổi lên của một loạt thách thức mất an ninh toàn cầu, tác động của mất an ninh phi truyền thống đã đặt ra một đe doạ lớn cho triển vọng phát triển bền vững quốc gia hay của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, một cách tiếp cận mới và tích hợp giữa năng lực quản trị quốc gia với năng lực quản trị phát triển bền vững và năng lực quản an ninh phi truyền thống là cần thiết để có thể giải quyết được các thách thức trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự 2030.
Cách tiếp cận mới yêu cầu tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững của quốc gia mà còn vào chương trình nghị sự về an ninh quốc gia và an ninh phi truyền thống, bao gồm cả các yếu tố liên quan đến an ninh con người (United Nations Development Programme, 2004; Dalby, 2009). Các đối tượng cần phải bảo vệ của an ninh không chỉ là nhà nước, mà còn là sự tồn tại, phúc lợi và giá trị của con người (Caballero-Anthony, 2006). Việc an ninh hoá và chương trình nghị sự an ninh quốc gia khuyến khích các cam kết chính trị mạnh hơn trong việc điều phối các bên liên quan khi thực hiện các mục tiêu phát triển của quốc gia (Busan and Hansen, 2009). Các nghiên cứu tập trung vào làm rõ hơn các thách thức an ninh phi truyền thống (Caballero-Anthony, 2020), và đã chỉ ra rằng việc quản trị các thách thức an ninh phi truyền thống đóng một vai trò rất quan trọng trong đạt được mục tiêu phát triển bền vững với các cam kết về chính trị và nguồn lực mạnh hơn. Nếu các chủ thể quản trị có hạn chế về năng lực quản trị phát triển bền vững, trong đó có quản trị an ninh phi truyền thống thì sẽ gây tốn kém thời gian và tăng chi phí, và dẫn đến thiệt hại cả về người và tài sản, từ đó đe doạ đến khả năng và triển vọng phát triển bền vững của các quốc gia (Hoàng Đình Phi và cộng sự, 2019). Như vậy, cần thiết phải nghiên cứu và vận dụng một cách tiếp cận mới, tích hợp được nhiều công cụ tư duy và hành động để các chủ thể lãnh đạo, quản trị và điều hành trong tất cả các hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, môi trường, và an ninh phi truyền thống, có thể nghiên cứu, liên hệ và vận dụng sáng tạo trong công tác quản trị phát triển bền vững địa phương và quản trị phát triển bền vững quốc gia.
2. Năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia
Purvis và cộng sự 2019 chỉ ra rằng sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia phụ thuộc vào khả năng quản trị của tất cả các chủ thể và các bên liên quan. “Mô hình ngôi nhà phát triển bền vững” theo hình 1 (Hoàng Đình Phi và cộng sự, 2022) là mô hình phân tích có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi các yếu tổ cơ bản được tính toán trong các mối quan hệ quản trị phát triển bền vững quốc gia dựa trên ba trụ cột chính của phát triển bền vững quốc gia (kinh tế, xã hội và môi trường). Nếu các chủ thể quản lý và quản trị của cả khu vực công và khu vực tư của một quốc gia mà không có đủ các năng lực quản trị, thiếu tình yêu với tổ quốc, và không theo đuổi mục tiêu phát triển quốc gia một cách bền vững thì quốc gia đó khó có thể phát triển bền vững vì thiếu đi sức mạnh cộng hưởng (synergies). Một trụ cột bị suy yếu hoặc lung lay thì gây nguy hiểm cho cả ngôi nhà và sự phát triển bền vững sẽ khó đạt được. Phân tích tổng hợp cho thấy rằng các rủi ro và mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nếu không có đủ các năng lực quản trị cần thiết để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả có thể dẫn đến sự suy yếu của các trụ cột này và có thể ảnh hưởng đến tính bền vững. Ví dụ, những yếu kém về năng lực quản trị có thể gây ra mất an ninh con người như ô nhiễm đất, nước, không khí, thực thẩm… và các mối đe dọa khác sẽ làm suy yếu các trụ cột xã hội và môi trường, có thể gây ra sự sụp đổ của “mô hình ngôi nhà” bất chấp kết quả của tăng trưởng kinh tế.
Theo mô hình trên thì có bốn nhóm yếu tố chính hay bốn nhóm năng lực quản trị rất quan trọng quyết định sự vững chắc của “nền móng” ngôi nhà phát triển bền vững quốc gia. Các năng lực này phải liên tục được đầu tư và nâng cao để đảm bảo sức chịu tải và làm cơ sở cho sự phát triển của các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường theo các chỉ số ngày càng tăng để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia được hiểu là các khả năng hay năng lực của các chủ thể quản trị công (từ trung ương đến địa phương) trong việc nghiên cứu, ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo, quản trị và điều hành thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án… để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Các tổ chức có uy tín quốc tế như UN, UNDP và OECD cùng nhiều học giả quốc tế đã có các nghiên cứu và công bố góp phần làm phong phú lý luận về năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia. Bảng 1 tổng hợp các yếu tố cấu thành năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia, trong đó có 6 năng lực chính, đó là: năng lực lãnh đạo chiến lược; năng lực xây dựng chính sách và chiến lược; năng lực tổ chức thực hiện chính sách và chiến lược; năng lực giám sát và giải trình; năng lực học hỏi và đổi mới; và năng lực hợp tác và phát triển quan hệ đối tác.
3. Một số kết quả phản ánh năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia của Việt Nam
Giống như nhiều nước đang phát triển khác ở Châu Á, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gặp rất nhiều thách thức đến từ cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, cùng các rủi ro và mối nguy đe dọa an ninh phi truyền thống, điều này đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững quốc gia của Việt Nam. Việt Nam phải đối mặt với một số mối đe dọa mất an ninh phi truyền thống trong một số lĩnh vực, ví dụ như: an ninh kinh tế và an ninh con người đang bị thách thức bởi tham nhũng, lãng phí, tài nguyên cạn kiệt, môi trường suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh, thiên tai, trong đó có bão lũ và sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi từ miền Bắc đến miền Trung, cũng như đại dịch COVID-19 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019; Chính phủ Việt Nam, 2020). Chính vì vậy, dù đã có một vài nghiên cứu về an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong các tài liệu học thuật, chủ đề về các mối đe dọa mất an ninh phi truyền thống đã và đang thu hút sự chú ý lớn hơn của các nhà hoạch định chính sách phát triển quốc gia kể từ lần đầu tiên đề cập chính thức về cách tiếp cận an ninh phi truyền thống vào năm 2011.
Việt Nam bắt tay vào con đường cải cách kinh tế hiện nay vào năm 1986 và đã chuyển mình từ một nước nghèo thành một nước có thu nhập trung bình (Ngân hàng Thế giới 2019). Tăng trưởng kinh tế đã mang lại những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Theo Ngân hàng Thế giới (2019), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là gần 2.800 đô la Mỹ, so với 430 đô la Mỹ năm 1986. Tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 58% năm 1992 xuống dưới 6% vào năm 2019. Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược quan trọng từ năm 1991 như Chiến lược Phát triển Bền vững của quốc gia và Kế hoạch Hành động Quốc gia để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (Bảng 2). Các chính sách này nêu rõ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa giữa môi trường do con người tạo ra và môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2020, trước đại dịch COVID-19 và các sự kiện bất lợi liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136 về phát triển bền vững nhằm phân rõ trách nhiệm và nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Bảng 2 phản ánh một phần “năng lực xây dựng chính sách và chiến lược” phát triển bền vững quốc gia. Có rất nhiều chủ thể lãnh đạo, quản trị và điều hành cùng các bên liên quan khác nhau tham gia vào các quy trình quản trị và các hoạt động hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam thì bao giờ cũng có khoảng cách tương đối xa từ chính sách đến hàng động và kết quả, và hầu hết sự chú ý dành cho những tổ chức chính quyền nhà nước có khả năng hỗ trợ và huy động cộng đồng địa phương cũng như giám sát và đánh giá việc thực hiện phát triển bền vững quốc gia (Kisinger và cộng sự, 2021). Tại Việt Nam thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ có liên quan thực hiện chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng giám sát chương trình nghị sự về an ninh quốc gia. Việc thiếu sự phối hợp giữa các bộ này dẫn đến những thách thức trong việc lồng ghép các chiến lược, chương trình, kế hoạch hay công tác đảm an ninh PTT với chương trình phát triển bền vững. Hơn nữa, hướng dẫn chiến lược vẫn còn mang tính thủ tục và chỉ giới hạn trong việc xem xét phân bổ ngân sách và lồng ghép các kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và an ninh con người liên quan đến phát triển bền vững (Chính phủ Việt Nam 2020).
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong các mục tiêu phát triển bền vững. Bảng 3 nêu bật kết quả phát triển bền vững của quốc gia bằng cách sử dụng chỉ số SDGs, chỉ số đo lường tiến bộ của quốc gia đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (Sachs et at. 2020). Các kết quả mà Việt Nam đạt được theo Bảng 3 thể hiện một phần các hạn chế về các năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia của các chủ thể từ Trung ương đến địa phương xét theo các tiêu chí đã nêu trong Bảng 1.
Nhiều báo cáo nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trong quá trình thực hiện các chính sách và chiến chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam còn thiếu rất nhiều loại nguồn lực và giải pháp sáng tạo và còn thiếu cách tiếp cận tích hợp với chiến lược tuyển dụng, thi tuyển và đào tạo nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững để có thể có đội ngũ các nhà quản trị công có đủ “đức và tài” cùng với các kỹ năng “tư duy chiến lược”, “tầm nhìn chiến lược” và năng lực dẫn dắt “đổi mới sáng tạo” trong tất cả các lĩnh vực hay trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là các năng lực quản trị an ninh phi truyền thống như: nghiên cứu dự báo và cảnh báo sớm các rủi ro và mối nguy, qua đó có thể tích hợp vào các chính sách liên quan hay xây dựng các chiến lược ứng phó phù hợp. Sachs và cộng sự (2020) cho thấy tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các chỉ số SDGs chính là một bước lùi đối với phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Việc không nhận dạng và cảnh báo sớm đã góp phần vào việc lây lan vi rút trên toàn thế giới. Hơn nữa, sự xuất hiện của các nỗ lực hợp tác và các chiến lược đáp ứng trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh PTT đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Sachs và cộng sự, 2020; FAO, 2021).
4. Nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 khẳng định việc bảo đảm an ninh con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các chương trình hành động của Đảng và của chính phủ. Với các mối đe dọa mất an ninh toàn cầu ngày càng tăng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các thách thức an ninh PTT có những tác động bất lợi và lâu dài đối với an ninh và sự phát triển của con người. Do đó, cách tiếp cận trong nghiên cứu này có thể giúp các chủ thể lãnh đạo, quản trị và điều hành các hoạt động phát triển bền vững nhận ra tầm quan trọng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và có chính sách tích hợp các vấn đề liên quan tới năng lực quản trị phát triển bền vững trong chương trình nghị sự chính sách phát triển của Việt Nam.
Trong bài giảng chuyên đề tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giới thiệu các nội dung chính của “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, một kỷ nguyên mà dân tộc Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Các nội dung chính mang tính chiến lược bao gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững, công bằng và hội nhập; Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên chuyển đổi số và năng lượng tái tạo; Tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trên thị trường khu vực và quốc tế; Đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy khoa học công nghệ; Chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đảm bảo người dân được tham gia trực tiếp vào các quyết định quan trọng của đất nước. Những nội dung trên chính là chỉ đạo mang tính chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm về sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Công tác đào tạo cán bộ các cấp của Đảng từ Trung ương đến địa phương chính là các hoạt động giáo dục, đào tạo và huấn luyện nhằm nâng cao các năng lực quản trị, trong đó tập trung chủ yếu vào năng lực quản trị phát triển bền quốc gia.
Nghiên cứu kỹ các kết quả khiêm tốn đã đạt được từ chính sách đến hành động cùng với thực trạng tham nhũng và lãng phí trong thời gian hơn 20 năm qua (2010-2024) có thể thấy một trong nhiều nguyên nhân cơ bản nhất chính là hạn chế về năng lực quản trị phát triển bền vững của các chủ thể quản trị công từ trung ương đến địa phương. Các hạn chế về năng lực lãnh đạo, quản trị và điều hành của đội ngũ công chức và viên chức là một trong các lý do cơ bản để năm 2024- 2025 Đảng ta tiến hành một “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy” để bộ máy lãnh đạo đảng và chính quyền thực sự tinh gọn và hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, đảm bảo cho các doanh nghiệp và người dân Việt Nam được giải phóng sức lao động và sức sáng tạo, góp phần đưa Việt Nam thực sự vươn mình trong kỷ nguyên mới. “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy” hành chính công theo chỉ đạo vững quốc gia. Như vậy, việc nghiên cứu, dự báo và tìm ra các giải pháp phù hợp và sáng tạo để không ngừng nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia cho đội ngũ công chức và viên chức có tính thời sự và vô cùng cấp thiết trong cả giai đoạn hiện nay và tương lai của Việt Nam.
5. Kết luận
Đảng Cộng sản Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo nhà nước và xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nỗ lực phấn đấu trong hành trình mới đưa Việt Nam vươn mình phát triển bền vững với tốc độ nhanh và mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thành công của hành trình này phần lớn phụ thuộc vào các nhóm “Năng lực và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam” và “Năng lực quản trị quốc gia”, trong đó có một nhóm năng lực có thể nói là quan trọng nhất, đó là “Năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia”. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực cần tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển lý luận gắn với thực tiễn để dự báo các rủi ro và tìm ra các giải pháp phù hợp và sáng tạo để góp phần không ngừng nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững quốc gia.
____________________
Tài liệu tham khảo
Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết Đại hội XIII về “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021–2030”.
Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011– 2020”.
Nghị quyết số 136/NQ-CP về Phát triển bền vững. Đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Allen, C., R. Nejdawi, J. El-Baba, K. Hamati,Metternicht and T. Wiedmann. 2017. “Indicator- Based Assessments of Progress towards The Sustainable Development Goals (SDGs): A Case Study from the Arab Region.” Sustainable Science 12: 975-989. doi:10.1007/s11625-017-0437-1.
Bangalore, M., A. Smith and T. Veldkamp. 2017. “Exposure to Floods, Climate Change, and Poverty in Vietnam.” Economics of Disasters and Climate Change 3: 79–99. doi:10.1007/s41885-018-0035-4.
Bingham, L.B., T. Bunachi and R. O’Leary. 2005. “The New Governance: Practices and Processes for Stakeholder and Citizen Participation in the Work of Government.” Public Administration Review 65(5): 547–558. doi:10.1111/j.1540- 6210.2005.00482.x.
Caballero–Anthony, M. 2016. An Introduction to Non-Traditional Security: A Transnational Approach. London: SAGE Publications.
FAO. 2021. Acute Hunger Set to Soar in over 20 Countries, Warn FAO and WFP. Rome: Food and Agriculture Organization.
Kerk, G. and A. Manuel. 2013. Sustainable Society Foundation. http://www.ssfindex.com/.
Kissinger, G., M. Brockhaus, SR. Bush. 2021. “Policy Integration as A Means to Address Policy Fragmentation: Assessing the Role of Vietnam’s National REDD + Action Plan in the Central Highlands. Environmental Science & Policy 119: 85-92. doi:10.1016/j.envsci.2021.02.011.
Monkelbaan, J. 2019. Governance for the Sustainable Development Goals. Exploring and Integrative Framework of Theories, Tools and Competencies. Singapore: Springer,Murshed, M. and A. Ahmed. 2018. “An Assessment of the Marginalizing Impact of Poor Governance on the Efficacy of Public Health Expenditure in LMICS.” World Review of Business Research 8(1): 147-160.
Phi Dinh Hoang, V.H. Nguyen, A.T. Hoang and X.H. Nguyen. 2019. “Management of Nontraditional Security: A New Approach.” International Journal of Engineering, Applied and Management Sciences Paradigms 54(1): 253-262.
Phi Dinh Hoang, Ky N.X, Huy Q.N, Anh T.H (2022), “Management of Nontraditional Security for Vietnam’s Sustainable Development: An Integrated Approach”, Journal “Sustainability: Science, Practice and Policy” (Q1), https://www. tandfonline.com
Purvis, B., Y. Mao and D. Robinson. 2019. “Three Pillars of Sustainability: in Search of Conceptual Origins.” Sustainability Science 14: 681-695. doi:10.1007/s11625-018-0627-5.
Rita, F. and S. Croft. 2011. “European Non- traditional Security Theory: From Theory to Practice.” Geopolitics, History, and International Relations 3(2): 19-28.
Sachs, J., G. Schmidt-Traub, C. Kroll, G. Lafortune and G. Fuller. 2019. Sustainable Development Report 2019. New York: Bertelsmann Stiftung and Sustainable Development Solutions Network.
United Nations. 2015. General Assembly Resolution 70/1. Transforming Our World: the 2030 Agenda for Sustainable Development. A/ RES/70/1.
United Nations Development Program. 1994. Human Development Report 1994: New Dimensions of Human Security.
World Health Organization. 2021. Covid-19 Pandemic.
…