Phát triển nguồn nhân lực cho Kinh tế số và An ninh mạng để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bình Dương

    

 

 

 

 

Tóm tắt:

      Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet.Từ một tỉnh với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, sau hơn một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh, Bình Dương đã có những bước chuyển trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh công nghiệp thuộc hàng đầu trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Bình Dương đã và đang tập trung phát triển kinh tế số, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế số và tăng trưởng GRDP của tỉnh; phấn Đấu đưa Bình Dương trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực miền Đông Nam Bộ. Sự phát triển của kinh tế số và an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp và tổ chức. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các tổ chức cần tập trung vào (i) Đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, an ninh mạng; (ii) Phát triển các kỹ năng số, phân tích dữ liệu, an ninh thông tin; (iii) Các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài. Trong quá trình phát triển kinh tế số, đô thị thông minh đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế số và an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bài viết nhận diện các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế số, an ninh mạng và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực kinh tế số và an ninh mạng phục vụ phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bình Dương.

      Từ khóa: Nguồn nhân lực, kinh tế số, an ninh kinh tế số, an ninh mạng, phát triển bền vững

       I.  Giới thiệu

      Kinh tế số (tên tiếng Anh là digital economy) là khái niệm xuất hiện sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp. Khái niệm này được hiểu đơn giản là một nền kinh tế mà hàng hóa, dịch vụ được giao dịch, trao đổi thương mại và vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên Internet (OECD, 2013).

      Chương trình “Sáng kiến hợp tác và phát triển kinh tế kỹ thuật số G20” của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc năm 2016 xác định: “Nền kinh tế số đề cập đến các hoạt động kinh tế sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông làm động lực chính để nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Kiến thức số và thông tin số là phương tiện chính mang lại hiệu quả cho nền kinh tế”.

      Dù tiếp cận khái niệm ở góc độ nào, thì về bản chất, kinh tế số có các mô hình và phương thức hoạt động đều ứng dụng công nghệ thông tin. Còn về mặt phạm vi, kinh tế số được áp dụng phổ cập rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…

      Đặc trưng của kinh tế số: Là một trình độ phát triển lực lượng sản xuất mới, kinh tế số thể hiện những đặc trưng khác biệt với nền kinh tế công nghiệp truyền thống. Sự khác biệt đó thể hiện ở các khía cạnh sau: (1) dữ liệu (Data) đã trở thành yếu tố sản xuất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) cơ sở hạ tầng số trở thành nền tảng hạ tầng mới;(3) kiến thức số trở thành yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Như vậy, với 3 đặc trưng cơ bản về kinh tế số đã trình bày ở trên, có thể kết luận kinh tế số muốn thành công nhất thiết phải thực hiện 3 trụ cột cơ bản: (i) Thiết lập trụ cột thể chế kinh tế số; (ii) Xây dựng trụ cột hạ tầng số; (iii) Phát triển trụ cột nhân lực số.

      Sự phát triển của nền kinh tế số luôn đi kèm với những rủi ro an ninh mạng như vi phạm dữ liệu và trộm cắp tài sản trí tuệ. An ninh mạng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế số, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, góp phần đảm bảo tính toàn vẹn, bí mật và sẵn sàng của hệ thống dữ liệu, bảo vệ chống lại các mối đe dọa trên không gian mạng gây mất ổn định nền kinh tế, làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng và cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ và khoản đầu tư mạnh mẽ vào nguồn lực và cơ sở hạ tầng an ninh mạng.

      Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được biết đến với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tỉnh đã và đang thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Bình Dương đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

      Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, nền kinh tế số đang trở thành xu hướng tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại Bình Dương. Đặc biệt, an ninh mạng là một trong những yếu tố then chốt, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số, tránh khỏi những rủi ro và mối đe dọa từ không gian mạng.

      Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và an ninh mạng không chỉ là một nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược dài hạn để Bình Dương tiếp tục giữ vững vị thế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. là một trong những tỉnh thành phát triển nhanh và năng động nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể kinh tế và công nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đảp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và an ninh mạng trở thành yêu cầu bức thiết. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, mà còn là điều kiện tiên quyết giúp Bình Dương tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

      Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức và cơ hội lớn cho Bình Dương. Theo Báo cáo Chính phủ Việt Nam (2023), tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể, với tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tăng 30% so với năm 2022. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng, đang trở thành rào cản lớn đối với quá trình này (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2024).

      Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2023), khoảng 85% doanh nghiệp tại Việt Nam nhận thấy an ninh mạng là yếu tố cốt lõi nhưng chưa có đủ nhân lực để đảm bảo an toàn thông tin. Bình Dương, với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nền kinh tế số.

      Ngoài ra, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương (2023), tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin hiện chỉ đạt 25% so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tình trạng này đòi hỏi sự can thiệp kịp thời thông qua các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số và đảm bảo an ninh mạng bền vững. phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức và cơ hội lớn cho Bình Dương. Theo Báo cáo Chính phủ Việt Nam (2023), tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể, nhưng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng. Tình trạng thiếu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng phù hợp với nhu cầu thực tế cần được giải quyết một cách bài bản và kịp thời.

      Bối cảnh nền kinh tế số và đảm bảo an ninh mạng đòi hỏi phải chuyển đổi các yêu cầu về nguồn nhân lực, nhấn mạnh vào nhu cầu về các kỹ năng và năng lực chuyên môn. Khi quá trình chuyển đổi số và kinh tế số phát triển, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin nói chung và chuyên gia an ninh mạng nói riêng dự kiến sẽ tăng lên, do tính phức tạp và tần suất ngày càng gia tăng của các mối đe dọa trên không gian mạng. Sự thay đổi này đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược đối với việc phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào giáo dục, đào tạo, phát triển các kỹ năng thích ứng với các công nghệ mới, cũng như các chế độ, chính sách để thu hút và giữ chân nhân tài phục vụ cho nền kinh tế số. Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng, đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế số và an ninh mạng tại Bình Dương. Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

  • Đánh giá tình hình nguồn nhân lực hiện tại.
  • Xác định những thách thức và cơ hội trong việc phát triển nhân lực.
  • Đề xuất giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững.
  • 2. Thực trạng nguồn nhân lực cho kinh tế số và an ninh mạng tại tỉnh Bình Dương

      Từ năm 2019 đến nay, quy mô kinh tế Bình Dương chính thức vươn lên vị trí thứ 3 cả nước, chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; GRDP bình quân đầu người của Tỉnh năm 2023 đạt 172 triệu đồng, cao gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước; đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của Vùng và chiếm 10% của cả nướcBình Dương là một trong những tỉnh phát triển kinh tế năng động nhất tại Việt Nam, với định hướng trở thành đô thị thông minh và trung tâm công nghiệp hiện đại. Sự phát triển của kinh tế số và an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp và tổ chức. Theo Kế hoạch số 6574/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu phát triển kinh tế số là đạt 20% GRDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh vẫn gặp nhiều thách thức về nhân lực chất lượng cao.

  • 2.1. Thực trạng nguồn nhân lực hiện tại

      Theo Sở LĐTBXH Bình Dương, tổng số lao động trong lĩnh vực công nghệ số đạt khoảng 25.000 người, chiếm 2% tổng số lao động toàn tỉnh (Bảng 1.). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên sâu chỉ đạt 40%, trong khi nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cao hơn nhiều (Tổng cục Thống kê, 2023). Hiện tại, lực lượng lao động có kỹ năng chuyên sâu vẫn chủ yếu tập trung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, gây áp lực cho Bình Dương trong việc giữ chân nhân tài Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Dương cho thấy, 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về lập trình, phân tích dữ liệu và an ninh mạng. Các kỹ năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và an ninh mạng hiện chưa được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục địa phương, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tự tổ chức đào tạo nội bộ hoặc thuê chuyên gia từ các địa phương khác.

      Một khảo sát của Đại học Quốc tế Miền Đông cho thấy, 65% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT tại Bình Dương cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để thích nghi với yêu cầu thực tế tại doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo hiện nay chủ yếu mang tính lý thuyết, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

 

2.2. Những khó khăn và thách thức

      Trước tiên, Bình Dương hiện đang thiếu hụt nhiều nhân lực chất lượng cao. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương (2023), nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế số đến năm 2025 ước tính khoảng 50.000 người, trong khi nguồn cung hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đào tạo và giữ chân nhân tài tại địa phương. Ví dụ, các doanh nghiệp như FPT Software và Vinamilk đều đang mở rộng hoạt động tại Bình Dương nhưng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cao.

      Hiện nay, các chính sách hỗ trợ thu hút nhân lực chất lượng cao vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Kế hoạch phát triển nhân lực số của tỉnh (2023), các chính sách ưu đãi như hỗ trợ tài chính, nhà ở và môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn so với các địa phương lân cận như TP.HCM và Đồng Nai. Điều này dẫn đến tình trạng nhân lực chất lượng cao có xu hướng rời khỏi Bình Dương để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ví dụ, nhiều chuyên gia CNTT tại Bình Dương chuyển sang làm việc tại TP.HCM do sự chênh lệch về mức lương và cơ hội thăng tiến.

      Thêm vào đó, sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 30% doanh nghiệp tại Bình Dương đánh giá cao chất lượng nhân lực mới tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo địa phương, dẫn đến nhu cầu đào tạo lại rất cao. Chương trình đào tạo hiện nay vẫn nặng lý thuyết, thiếu thực hành thực tế. Ví dụ, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp VSIP Bình Dương phải tổ chức nhiều khóa đào tạo nội bộ để bổ sung kỹ năng thực tiễn cho nhân viên mới.

      Ngoài ra, Bình Dương đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tỉnh thành có nền kinh tế số phát triển mạnh như TP.HCM, Hà Nội. Nhiều lao động có xu hướng di chuyển đến các địa phương có mức lương và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Dương, tỷ lệ dịch chuyển lao động trong lĩnh vực CNTT tại tỉnh đạt 20% mỗi năm. Ví dụ, các tập đoàn đa quốc gia tại TP.HCM như Intel và Samsung thu hút một lượng lớn nhân lực chất lượng cao từ Bình Dương.

      3. Các nguy cơ đe dọa sự phát triển kinh tế số và an ninh mạng ở Bình Dương

      Dưới góc độ Khoa học An ninh, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang tồn tại các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế số như sau:

      3.1. Các nguy cơ, rào cản về thể chế

      Thể chế, chính sách vẫn còn chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ như các quy định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), tài chính số, ngân hàng số và các quy định đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong môi trường số. Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số đã được ban hành nhưng chưa hoàn thiện do chưa có phương pháp đo lường thống nhất trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn thiếu các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư và kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cũng chưa có đủ các chính sách hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ các sản phẩm Make in Viet Nam, và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc ứng dụng TMĐT và công nghệ số. Đồng thời, việc thiếu các bộ công cụ đo lường hiệu quả hoạt động kinh tế số và an ninh kinh tế số phù hợp với thực tế ở Việt Nam đã gây khó khăn trong việc thống nhất cách đánh giá, tạo thuận lợi cho sự so sánh giữa Bình Dương với các quốc gia trên thế giới và các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản trị phát triển kinh tế số, lựa chọn các lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với tình hình thực tế tại Bình Dương. Hoạt động thu hút đầu tư vốn trong nghiên cứu phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đẩy mạnh, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế số bền vững.

      3.2 Các nguy cơ, rào cản phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Bình Dương

      Hạ tầng số tại Bình Dương tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu kinh tế số, với tốc độ mạng băng rộng chỉ đạt mức trung bình khá so với khu vực và thế giới. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế do hệ thống thông tin chưa đồng bộ, tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở chỉ đạt 9%. Các rào cản chủ yếu bao gồm sự phối hợp giữa doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, thiếu quy hoạch tích hợp hạ tầng số trong các khu công nghiệp, và bất cập trong quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

      Bình Dương đã thực hiện Đề án thành phố thông minh từ năm 2016 với nhiều tiêu chí quan trọng như kết nối băng thông rộng, đổi mới sáng tạo và bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc triển khai đô thị thông minh vẫn gặp khó khăn về nhận thức, thiếu tiêu chuẩn quy hoạch, sự tham gia hạn chế của doanh nghiệp và hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

      Ngoài ra, sự phát triển kinh tế số tại Bình Dương còn gặp thách thức từ chênh lệch phát triển giữa khu vực trung tâm và vùng xa, sự quá tải hạ tầng giao thông và logistics. Các dự án như đường sắt nội tỉnh và phát triển cảng thủy nội địa gặp khó khăn trong đầu tư, quy hoạch và tích hợp công nghệ số. Tình trạng mất cân đối giữa các phương thức vận tải làm tăng chi phí logistics và giảm hiệu quả kinh doanh.

      3.3. Các nguy cơ, rào cản đe dọa phát triển nhân lực số ở Bình Dương

      – Thiếu hụt nguồn nhân lực ở Bình Dương để phát triển kinh tế số: Vấn đề gặp khó khan trong tuyển dụng lao động số tại tỉnh Bình Dương do nhiều nguyên nhân như: tỉnh chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực số, các tỉnh, thành phố lân cận hiện nay đều có các khu công nghiệp số, do đó người lao động có nhiều lựa chọn trong tìm kiếm việc làm cũng như tiền lương, thu nhập không có sự chênh lệch nhiều giữa làm việc tại quê nhà với tỉnh Bình Dương.

      – Nguy cơ xung đột xã hội, đình công, lãn công xuất hiện trong các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong phát triển hướng tới các mục tiêu và mục đích dài hạn của Liên hợp quốc và Việt Nam. Quá trình chuyển đổi số có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động, không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế số…Đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi số. 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt máy – da giày và 3/4 lao động trong ngành điện – điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Như tại Bình Dương năm 2017 Công ty sản xuất mỹ nghệ dùng robot; nhà máy sữa Vinamilk dùng robot đã làm nhiều công nhân mất việc làm.

       – Chưa có nhiều mô hình hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số; hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển đổi số.

      – Chưa có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp về an toàn thông tin còn nhiều tồn tại. Chưa có các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng cao liên quan đến an toàn thông tin.

      – Việc xây dựng mạng lưới, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học nhằm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu, chia sẻ tri thức về hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn chưa rộng khắp và thường xuyên.

      3.4. Nguy cơ, rào cản đe dọa phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương

      Bình Dương đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và thương mại điện tử.

      Trước tiên, Bình Dương hướng tới phát triển các khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp – khu đô thị – khu dịch vụ), nhưng gặp thách thức trong việc xây dựng hạ tầng đồng bộ và đào tạo nguồn nhân lực. Cần tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp điện tử và trung tâm dữ liệu để đảm bảo tăng trưởng doanh thu.

      Ngành du lịch của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào phương thức truyền thống, chưa tận dụng tốt công nghệ số để kết nối nền tảng trực tuyến, quảng bá và quản lý hiệu quả. Các doanh nghiệp cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quảng bá, dịch vụ và tối ưu hóa vận hành.

      Nông nghiệp Bình Dương chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng. Việc áp dụng công nghệ số còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, quy hoạch và mô hình phù hợp.

      Việc triển khai chuyển đổi số trong thương mại gặp khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Nguy cơ về an ninh thương mại và gian lận thương mại điện tử cũng đang là thách thức lớn.

      Bên cạnh đó, các rào cản như thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu, khó khăn trong tiếp cận tín dụng xanh, và thách thức an ninh tài chính, doanh nghiệp cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế số của tỉnh.

       3.5. Các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao

      Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao. Theo báo cáo của Công ty An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng, chủ yếu nhắm vào các tổ chức chính phủ, ngân hàng và các hệ thống quan trọng, với số lượng vụ tấn công tăng 9,5% so với năm trước. Các hình thức tấn công phổ biến bao gồm mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware), chèn nội dung vi phạm pháp luật trên website chính thống, và đánh cắp thông tin cá nhân. Một số doanh nghiệp lớn như VNDirect, PVOIL và Vietnam Post đã bị tấn công, gây thiệt hại nặng nề.

      Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm mạng. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã theo dõi và xử lý hàng trăm tài khoản mạng xã hội có nội dung xấu độc, đồng thời chặn hàng triệu thư rác và mã độc tấn công hệ thống thư điện tử công vụ.

       4. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đảm bảo an ninh kinh tế số, an ninh mạng ở Bình Dương.

      Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Để đảm bảo an ninh kinh tế số thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cũng tập trung vào 3 trụ cột: (i) đảm bảo an ninh trụ cột thể chế kinh tế số; (ii) đảm bảo an ninh trụ cột hạ tầng số; (iii) đảm bảo an ninh trụ cột nhân lực số; trong đó nguồn nhân lực số đóng vai trò cốt lõi.

      4.1. Giải pháp dành cho cơ quan quản lý nhà nước

      Các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực kinh tế số và an ninh mạng. Để đạt được điều này, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:

      Trước tiên cần xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài. Theo đó, chính quyền tỉnh Bình Dương cần ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt, như hỗ trợ học phí, trợ cấp nhà ở, và tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế số và an ninh mạng. Ví dụ, chương trình “Thu hút nhân tài CNTT” của Đà Nẵng đã thành công trong việc thu hút các chuyên gia đầu ngành đến làm việc tại địa phương.

      Ngoài ra, việc đưa nội dung an ninh mạng và kinh tế số vào chương trình bồi dưỡng cán bộ công chức cũng rất cần thiết. Việc tổ chức các khóa học chuyên sâu về an ninh mạng và công nghệ số cho cán bộ, công chức là cần thiết để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý. Một số địa phương như TP.HCM đã triển khai mô hình đào tạo ngắn hạn kết hợp với các chuyên gia quốc tế để cập nhật kiến thức mới nhất.

      Thêm nữa, Bình Dương cần chủ động liên kết với các tổ chức như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Ngân hàng Thế giới để học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ. Chẳng hạn, ITU đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý về an ninh mạng và kinh tế số.

      Bình Dương có thể thành lập các trung tâm nghiên cứu và đào tạo chuyên biệt về kinh tế số và an ninh mạng, nhằm cung cấp các khóa học thực hành thực tế và nghiên cứu ứng dụng phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Ví dụ, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Malaysia đã trở thành đầu mối cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực Đông Nam Á. Các sở, ban ngành cần làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế thị trường lao động. Chương trình hợp tác giữa Microsoft và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam là một ví dụ điển hình, giúp hàng nghìn cán bộ nâng cao năng lực số trong quản lý nhà nước.

      4.2. Giải pháp đối với doanh nghiệp

      Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế số và an ninh mạng. Các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ để tạo ra sự phát triển bền vững có thể gồm các định hướng sau:

      Trước tiên là hợp tác với các cơ sở đào tạo. Theo đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển các chương trình đào tạo thực hành phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, chương trình hợp tác giữa FPT và Đại học Bách khoa TP.HCM đã giúp đào tạo hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin có kỹ năng thực tế cao.

      Doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chương trình đào tạo nội bộ. Các doanh nghiệp cần thiết lập chương trình đào tạo liên tục nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng về an ninh mạng cho nhân viên ở mọi cấp độ. Ví dụ, Tập đoàn Viettel đã triển khai các chương trình đào tạo an ninh mạng nội bộ để tăng cường khả năng bảo vệ thông tin doanh nghiệp.

      Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến là tối cần thiết trong bối cảnh này. Doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và điện toán đám mây để tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng cường năng lực bảo mật. Theo báo cáo của Gartner (2023), các công ty ứng dụng AI vào quản lý an ninh mạng có khả năng phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng nhanh hơn 30% so với phương pháp truyền thống.

      Để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cần có chế độ lương thưởng hấp dẫn, môi trường làm việc hiện đại, và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Nhiều công ty công nghệ lớn như Google và Microsoft đều áp dụng các chính sách hỗ trợ học tập và phát triển cá nhân để giữ chân nhân viên. Khuyến khích nhân viên thường xuyên cập nhật kiến thức mới, thực hành kỹ năng về an ninh mạng thông qua các hội thảo, diễn tập và các chương trình học tập suốt đời.

      Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các công ty công nghệ nước ngoài để tiếp cận với những tiêu chuẩn bảo mật tiên tiến nhất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

      4.3. Các giải pháp đối với các sở đào tạo

      Các cơ sở đào tạo nên được trao quyền tự chủ. Nghĩa là, cho phép các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Bình Dương tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời mở rộng đối tượng xét tuyển vào các ngành an ninh kinh tế số và an ninh mạng, dựa trên tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

      Tiếp theo, cho phép người học được chuyển đổi ngành học. Sinh viên năm nhất, năm hai hoặc năm ba từ các ngành học khác có thể chuyển đổi sang học ngành an ninh kinh tế số và an ninh mạng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

      Điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và giảng viên thực hành; đồng thời giảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên nhằm mở rộng quy mô đào tạo và thu hút chuyên gia từ các doanh nghiệp, cơ quan chuyên trách như Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia giảng dạy. Ưu tiên đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên về an ninh kinh tế số, an ninh mạng ở nước ngoài từ nguồn ngân sách của Bình Dương, nguồn hiệp định song phương và đa phương của Chính phỉ; triển khai các phương thức dạy học tích cực, các khóa học trực tuyến và ứng dụng công nghệ, tăng cường khả năng tương tác của người học an ninh kinh tế số, an ninh mạng.

      Một số học phần từ các chương trình đào tạo chứng chỉ chuyên sâu về an ninh mạng có thể được quy đổi thành tín chỉ tương đương trong chương trình đào tạo đại học. Tăng cường các chương trình học kết hợp thực tập tại doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên có ít nhất 30% thời gian thực hành trong môi trường thực tế. Triển khai các khóa học an ninh kinh tế số, an ninh mạng trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu số dùng chung phục vụ đào tạo. Xây dựng các Phòng thực hành an ninh mạng trực tiếp/trực tuyến tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và các nhà trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Tỉnh Bình Dương. Trong đó ưu tiên xây dựng các “Thao trường mạng” nhằm tạo môi trường thực hành cho các chuyên gia, học viên, sinh viên có thể thực hành các kỹ thuật, kỹ năng trong các mạng và hệ thống phức tạp; nhằm phản ứng với những tình huống thực tế phổ biến hoặc đặc thù. Đây là môi trường ảo và độc lập được thiết kế cho mục đích đào tạo, huấn luyện và diễn tập với chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh, ít bị hạn chế bởi các quy định về bảo mật so với việc tiếp cận các hệ thống vật lý thực tế.

      Ngoài ra, thao trường mạng còn có thể được sử dụng để kiểm thử, đánh giá an toàn một hệ thống CNTT cụ thể dựa trên việc mô phỏng, giả lập hệ thống trên thao trường mà không cần tiếp cận trực tiếp hệ thống thực tế.

      Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp để dự báo nhu cầu lao động, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp có thể tham gia giảng dạy, cung cấp địa điểm thực hành và đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tiễn.

________________

Tài liệu tham khảo
  1. Báo cáo của Sở LĐTBXH Bình Dương (2023): https://soldtbxh.binhduong.gov.vn/Pages/ aspx
  2. Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Dương (2023): http://bdbf.vn/trang-chu/100
  3. Nguyễn Bạch Đằng (2017): Đảm bảo an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế, ĐHQG Hà Nội.
  4. Nguyễn Văn Hưởng (2014): An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam. Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB ĐHQG Hà Nội.
  5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương: https://sokhdt.binhduong.gov.vn/
  6. Tổng cục Thống kê (2023): https://www.gso. vn/
  7. OECD, The Digital Economy, OECD, Paris. http://www.oecd.org/daf/competition/The- Digital-Economy-2012.pdf
  8. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2023) https:// weforum.org/reports/global-cybersecurity- outlook-2023
  9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương (2023): https://soldtbxh.binhduong.gov.vn/ bao-cao-nguon-nhan-luc-2023
  10. Báo cáo chính phủ Việt Nam (2023): https:// chinhphu.vn/bao-cao-chuyen-doi-so-2023

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *