Tóm tắt:
Bài viết thảo luận về vai trò của kiểm định quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chúng tôi cho rằng kiểm định quốc tế không chỉ là công cụ đo lường mà còn là chuẩn mực giúp các trường đại học cải tiến toàn diện về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, việc đạt được kiểm định quốc tế giúp nâng cao uy tín của trường trong mắt sinh viên và nhà tuyển dụng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đất nước trong kỷ nguyên chuyển mình hiện nay, việc tăng cường kiểm định quốc tế để hướng tới chất lượng giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Quản trị chất lượng giáo dục; cơ sở đào tạo đại học; đảm bảo chất lượng; kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, tạo ra dòng chảy khoa học, công nghệ, tri thức và thị trường lao động quốc tế, đòi hỏi chất lượng giáo dục đại học phải có những thay đổi mạnh mẽ trong “thế giới phẳng”. Theo cách nói của T. Friedman, giáo dục đại học cũng sẽ phải gia nhập sân chơi “phẳng”, nơi người học có quyền được tiếp cận và phát triển kiến thức, kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, quốc tế hóa giáo dục đại học đang là một xu thế tất yếu được nhiều trường đại học chọn lựa và coi như điều kiện tiên quyết để hội nhập với giáo dục đại học quốc tế nhằm đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Quốc tế hóa giáo dục đại học không chỉ giúp trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực do các sở giáo dục đại học trong nước đạt các chuẩn đầu ra quốc tế, hướng tới việc thừa nhận lẫn nhau về văn bằng của người học. Ở khía cạnh nào đó, một hệ thống giáo dục đại học có chất lượng quốc tế sẽ tạo ra nguồn nhân lực tốt, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Việt Nam, các tổ chức và doanh nghiệp hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, việc thúc đẩy hoạt động quốc tế hóa, hội nhập trong giáo dục không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam phát triển nhanh và đào tạo ra nguồn nhân lực đạt chuẩn chất lượng quốc tế mà còn là tương lai của dân tộc. Thực tế cho thấy, mặc dù giáo dục đại học Việt Nam đã có những điểm sáng trong quốc tế hóa và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sức cạnh tranh quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam cũng như nguồn nhân lực được đào tạo hiện nay còn khá thấp so với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Trước những thách thức to lớn của quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước, vấn đề đặt ra cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là phải thay đổi căn bản và toàn diện về cách tiếp cận trong quản trị chất lượng giáo dục đại học theo hướng quốc tế hóa về mọi mặt nhằm không chỉ phục vụ cho sự phát triển của đất nước mà còn đưa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam lên một tầm cao mới trong thị trường lao động “phẳng”. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn tập trung vào phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam thông qua quốc tế hóa giáo dục và kiểm định chất lượng đào tạo bởi các tổ chức quốc tế uy tín.
2. Kiểm định quốc tế – thước đo quản trị chất lượng giáo dục đại học
Theo suốt chiều dài lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, giáo dục đào tạo luôn có vai trò quan trọng và được coi là quốc sách hàng đầu. Chính vì vậy mà chất lượng giáo dục đại học hiện nay được Đảng, Chính phủ, người sử dụng lao động, phụ huynh và sinh viên đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy, đổi mới giáo dục đại học hiện nay tại Việt Nam đã từng bước được thực hiện gắn với tăng cường tự chủ trong việc xây dựng chương trình và triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận, kết quả đổi mới giáo dục đào tạo đại học chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, người sử dụng lao động, phụ huynh và người học. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng nhân lực trình độ đại học, vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Để giải quyết điểm nghẽn về nguồn nhân lực, một trong những giải pháp cho giáo dục đại học Việt Nam đó là kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo. Lịch sử giáo dục hiện đại cho thấy, kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã xuất hiện cách đây hơn 100 năm tại Hoa Kỳ và đang là cách thức phổ biến nhất được các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới sử dụng để kiểm soát chất lượng đào tạo. Tại Việt Nam, kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã chính thức được áp dụng trong khoảng 20 năm trở lại đây và được quy định bắt buộc trong Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/ TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là bộ tiêu chí được kế thừa từ bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA với 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Đứng trước yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhiều trường đại học đã không dừng lại ở việc thực hiện kiểm định theo bộ tiêu chuẩn trong nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế uy tín nhằm khẳng định sự cam kết về chất lượng đào tạo của nhà trường đối với người học, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bảng 1 dưới đây sẽ giúp chúng ta có góc nhìn rõ hơn về các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn Việt Nam, AUN, và quốc tế uy tín (ví dụ, ACQUIN).
Rõ ràng, kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế là một thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, kiểm định quốc tế cũng chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục đào tạo đại học trong nước phải nỗ lực đổi mới hoạt động quản trị, đầu tư cho cơ sở vật chất, giảng viên và thúc đẩy các hoạt động quốc tế hoá nhằm khẳng định thương hiệu đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Các cơ sở đào tạo được kiểm định khắt khe bởi các cơ quan kiểm định càng uy tín, càng nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới công nhận thì giá trị mang lại cho người học càng cao. Khi đó, người học sẽ không chỉ được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ từ các trường đại học hàng đầu thế giới mà còn có nhiều cơ hội và lợi thế trên thị trường lao động toàn cầu. Việc tín chỉ hay văn bằng của người lao động được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu chính là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
3. Thực trạng kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sự phát triển của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học của có thể xem bắt đầu từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học vào năm 2004 (theo Quyết định số 38/2004/ QĐ-BGD&ĐT ngày 02/12/2004). Tính đến 31/12/2025, Cục Quản lý Chất lượng công nhận tổng cộng 20 trung tâm và cơ sở kiểm định trong nước và Quốc tế (phụ lục 1). Trong đó, trong nước có tổng cộng 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, gồm 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội). Các tổ chức kiểm định nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm 13 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, bao gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN, AMBA, CTI, IACBE.
Kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện nay tồn tại hai loại hình kiểm định phổ biến là kiểm định cơ sở giáo dục (hay còn gọi là kiểm định trường) và kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT). Trong kiểm định chất lượng CTĐT, các tiêu chuẩn kiểm định chủ yếu trọng tâm vào: (i) cấu trúc, nội dung của chương trình; (ii) mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình; (iii) phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá; (iv) đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên; tuyển sinh, hỗ trợ người học; và (v) đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến hết 31/1/2024, có 2.224 chương trình được kiểm định, trong đó 1585 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học của 160 cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, và 639 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học của 63 cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, chiếm đa số là đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA khoảng 62,46% theo số liệu mới nhất tại Hình 1, tiếp theo đó là FIBAA và ASIIN của châu Âu. [1].
Theo nghiên cứu và phân tích dữ liệu về kết quả kiểm định chất lượng các CTĐT được công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trung tâm kiểm định chất lượng của của Nguyễn Tiến Cương và cộng sự (2023), trong số 802 CTĐT được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước thì chỉ có 01 chương trình có 100% số tiêu chí đạt từ 4.0 trở lên, 05 chương trình đạt 98% số tiêu chí và 30 chương trình đạt 96% số tiêu chí đạt, 87 chương trình có 84% số tiêu chí đạt, 56 chương trình có 82% số tiêu chí đạt. Trong khi đó có 25 CTĐT chỉ đạt ở mức tối thiểu với 80% số tiêu chí đạt. Bên cạnh đó, các tác giả cũng chỉ ra rằng điểm trung bình của các tiêu chí đạt khá thấp. Với thang đo từ 1 đến 7, điểm trung bình của 50 tiêu chí chỉ đạt 3.96. Tiêu chí cao nhất đạt 4.33 trong khi tiêu chí thấp nhất đạt 3.26. Một điều đáng quan tâm là có 44% (22/50) số tiêu chí có điểm trung bình dưới 4.0 trong khi theo quy định điểm 4.00 là mức tối thiểu để một tiêu chí được đánh giá đạt. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các chương trình đào tạo chỉ được đánh giá tốt ở các tiêu chí gián tiếp liên quan đến đào tạo, trong khi những tiêu chí cốt lõi liên quan trực tiếp đến đề cương môn học, chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá kết quả học tập đạt điểm đánh giá thấp.
Thông qua kết quả nghiên cứu Nguyễn Tiến Cương và cộng sự (2023) chúng ta có thể thấy rằng, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo và nâng cao chất lượng CTĐT. Tuy nhiên, nhiều CTĐT mặc dù được kiểm định và công nhận chất lượng đã chưa đạt những tiêu chí cốt lõi về chuẩn đầu ra, sự đầy đủ thông tin và cập nhật đề cương các học phần, sự đóng góp của các học phần để đạt được chuẩn đầu ra, phương pháp thi kiểm tra đánh giá, thư viện và nguồn học liệu, cơ chế phản hồi của các bên liên quan, và việc rà soát thường xuyên để đảm bảo quá trình dạy – học, kiểm tra, đánh giá được tương thích. Do đó, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các cơ sở giáo dục đại học cần phải có cách tiếp cận và hành động thực chất hơn đối với hoạt động quản trị chất lượng chung và của từng CTĐT.
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và xuất phát từ nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc thúc đẩy hoạt động quốc tế hóa giáo dục không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đại hội XIV mà còn là động lực đưa giáo dục đại học Việt Nam phát triển, sớm tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Mặt khác, quốc tế hóa giáo dục đại học cũng là yêu cầu cấp thiết để đánh giá thương hiệu của một cơ sở đào tạo đại học. Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được một số thành tựu, nhưng không thể phủ nhận rằng sức cạnh tranh quốc tế của nền giáo dục của Việt Nam hiện nay còn yếu kém so với các quốc gia trên thế giới. Trước những thách thức to lớn do quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức và những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ở trong nước, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là không ngừng chuyển đổi bên trong của cả hệ thống giáo dục đại học theo hướng toàn cầu hóa về mọi mặt, để có thể cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, phục vụ cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới của đất nước. Đó là một thách thức rất lớn, nhưng cũng chính là cơ hội buộc các cơ sở giáo dục trong nước, mà trước hết là các cơ sở giáo dục đại học trong nước phải nỗ lực thúc đẩy các hoạt động quốc tế hoá giáo dục đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và vị thế của đơn vị, sớm tạo lập được thương hiệu riêng qua năng lực cạnh tranh quốc tế.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
Để chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, tác giả đề xuất ba nhóm giải pháp chính cho cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo đại học, và người học sau đây:
Đối với cơ quan quản trị giáo dục đại học, như phân tích ở phần thực trạng, hiện nay cơ quan quản lý chưa có chế tài cho sự khác biệt giữa CTĐT được kiểm định trong nước, khu vực hoặc quốc tế nên rất nhiều đơn vị đào tạo đại học thực hiện kiểm định chất lượng chương trình theo các tiêu chuẩn tối thiểu trong nước theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn kiểm định của khu vực. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học cần có chính sách phân biệt và khuyến khích thỏa đáng để các cơ sở đào tạo đại học thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là chuẩn quốc tế của những khu vực có nền giáo dục phát triển.
Đối với các đơn vị đào tạo đại học, các nhà lãnh đạo trường đại học cần phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế của những khu vực có nền giáo dục phát triển. Từ đó, các cơ sở đào tạo đại học cần phải có chiến lược tổng thể về chất lượng đào tạo như đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phối hợp với doanh nghiệp hay điều chỉnh chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần đẩy nhanh quốc tế hóa giáo dục như kiểm định quốc tế, công nhận tín chỉ lẫn nhau, tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, hay hợp tác nghiên cứu.
Đối với người học, cần xác định việc theo học một CTĐT là một dự án đầu tư cho tương lai nghề nghiệp sau này. Vì vậy, người học cần tìm hiểu kỹ về các CTĐT mà cá nhân muốn tham gia, đặc biệt là tìm hiểu về chất lượng kiểm định CTĐT, danh tiếng của nhà trường, đội ngũ giảng viên, khung chương trình, các hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đối tác đào tạo quốc tế, hay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập của nhà trường. Bên cạnh đó, người học cũng cần nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người học như đề cập trong Luật Giáo dục Đại học “Đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục” nhằm nâng cao chất lượng CTĐT của cơ sở đào tạo đại học.
5. Kết luận
Kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế là cách tiếp cận mới trong quản trị đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và thời sự của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã quan tâm đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng CTĐT. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy hiện nay đa số cơ sở giáo dục đại học nước ta mới chỉ dừng lại ở việc kiểm định các CTĐT theo chuẩn trong nước hoặc khu vực, chưa mạnh dạn thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của những khu vực có nền giáo dục phát triển. Bài viết này cũng đề xuất một số nhóm giải pháp cho các bên liên quan nhằm đẩy mạnh kiểm định CTĐT theo chuẩn quốc tế nhằm đưa chất lượng giáo dục của Việt Nam tiệm cận chuẩn quốc tế, góp phần vào giải quyết điểm nghẽn về nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
____________________________
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Hữu Cương, Trần Ngọc Hạnh, Hà Vĩnh Phước, Trần Lê Phương Thảo, Bùi Thị Thùy Trinh, Trần Hồng Nhựt Minh, Nguyễn Thanh Vương, Trần Tiến Quang (2023). Phân tích chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng. Tạp chí Giáo dục, 23 (số đặc biệt 9), 67-72.
Lê Lâm, Trần Thị Thu Hương, Lê Thái Hưng (2023). Quản trị chất lượng giáo dục đại học: xu hướng, thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Giáo dục, 23(23), 30-35.
Bộ GD-ĐT (2016). Thông tư số 04/2016/TT- BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Bộ GD-ĐT (2017). Thông tư số 12/2017/TT- BGDĐT ngày 19/5/2017 ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.