Tóm tắt
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và chuyển đổi số, quản trị công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp. Quản trị công nghệ bao gồm nhiều nội dung như lựa chọn công nghệ, đổi mới sáng tạo về công nghệ, quản trị rủi ro công nghệ. Các tác giả đã sử dụng phương pháp thu thập, tổng hợp số liệu thứ cấp để phân tích tác động của quản trị công nghệ đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đưa ra những khuyến nghị để doanh nghiệp tối ưu hóa lợi thế từ công nghệ. Kết quả nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng công nghệ mới do hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc đầu tư vào quản trị công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn là yếu tố quyết định trong việc duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản trị công nghệ phù hợp, từ lựa chọn công nghệ đến đào tạo nhân lực.
Từ khóa: Quản trị công nghệ, cạnh tranh bền vững, doanh nghiệp Việt Nam.
1. Giới thiệu
Quản trị công nghệ (Technology Management) là quá trình lựa chọn, áp dụng và đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cùng với xu hướng chuyển đổi số, việc đầu tư vào quản trị công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng đối với tất cả doanh nghiệp. Cory (1996) giới thiệu một cách hiểu về quản trị công nghệ bao gồm các nội dung sau: (1) Quản trị nghiên cứu;(2) Kế hoạch hoá và phát triển sản phẩm; (3) Quản trị dự án; (4) Kết hợp các quy trình sản xuất; (5) Kiểm soát sản xuất; (6) Đảm bảo chất lượng; (7) Thiết kế và sử dụng các hệ thống thông tin; (8) Phát triển phần mềm; (9) Bán sản phẩm; (10) Kết hợp công nghệ;(11) Kết hợp các nguyên tắc về kỹ thuật với việc ra quyết định về tài chính và kinh doanh. Theo Cory (1996), việc quản trị công nghệ phải bao gồm trong nó việc quản trị các mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp, chuỗi phát triển, sử dụng các công nghệ, quyết định, giải quyết các vấn đề nảy sinh khi sử dụng công nghệ, kết hợp với các bước phát triển chung, kết hợp các vấn đề về kinh doanh và kỹ thuật. Quản trị công nghệ kết hợp các hoạt động nghiên cứu phát triển, phân tích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ, dự án sản phẩm hoặc công nghệ, thiết kế sản phẩm, sản xuất và phát triển phần mềm, marketing, chiếm lĩnh thị trường. Theo Teece (2010), khả năng quản trị công nghệ gắn liền với khả năng đổi mới và khả năng tái cấu trúc doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao hơn trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng. Winter (2003) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng đổi mới liên tục trong quản trị công nghệ. Nhìn chung, các học giả đều nhìn nhận việc quản trị công nghệ như một sự kết hợp các yếu tố, các hoạt động quản trị thuộc tất cả các phương diện có liên quan đến công nghệ trong doanh nghiệp để có thể đưa lại kết quả hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp.
Quản trị công nghệ và khả năng cạnh tranh bền vững là yếu tố then chốt trong sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng và quản trị công nghệ một cách hiệu quả không chỉ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động mà còn là yếu tố quyết định trong việc duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh bền vững (Báo điện tử đại biểu nhân dân, 2024).
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội do sự chuyển đổi số và sự phát triển của công nghệ mới. Việc đầu tư vào công nghệ không chỉ là một lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để duy trì khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong các ngành như sản xuất, dịch vụ, thương mại điện tử, và công nghệ thông tin (Tạp chí cộng sản, 2021). Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mới không phải là điều đơn giản. Các doanh nghiệp cần có chiến lược quản trị công nghệ phù hợp, từ việc lựa chọn công nghệ phù hợp đến việc xây dựng các hệ thống hỗ trợ, đào tạo nhân lực, và phát triển các sáng kiến đổi mới sáng tạo (Harrison và cộng sự, 1997) .
Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình theo xu hướng này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và quản trị công nghệ. Điều này đặc biệt rõ rệt trong bối cảnh tài chính hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ, và khả năng tiếp cận thông tin, nghiên cứu công nghệ mới còn yếu (Tạp chí tài chính, 2018; Trần Ngọc Ca, 2023). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng có thể tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chương trình hợp tác quốc tế, và các nền tảng công nghệ mở để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2022).
Với mục tiêu này, việc phát triển và nâng cao năng lực quản trị công nghệ không chỉ là một chiến lược riêng lẻ mà phải được tích hợp vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Để xây dựng và phát triển năng lực quản trị công nghệ một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần đánh giá toàn diện các khía cạnh cốt lõi liên quan đến công nghệ. Điều này bao gồm việc phát triển hạ tầng và thiết bị công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn ngành, khả năng hỗ trợ công nghệ thông qua các chiến lược và dự án nghiên cứu, năng lực tìm kiếm và mua bán công nghệ phù hợp với nhu cầu cạnh tranh, khả năng vận hành công nghệ hiệu quả, cũng như năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ. Những yếu tố này không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh lâu dài. Có thể có nhiều cách phân loại và đánh giá năng lực công nghệ khác nhau, tùy theo mục đích và bối cảnh cụ thể. Một trong những phương thức đó là của tác giả Hoàng Đinh Phi (2019) đưa ra. Bảng đánh giá chi tiết tại đây (Bảng 1) sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để các doanh nghiệp phân tích hiện trạng, định hướng chiến lược, và nâng cao năng lực quản trị công nghệ toàn diện.
Để đạt được sự thành công và bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, và phát triển các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Đặc biệt, khi kết hợp với quản trị công nghệ, các tiêu chí về quản trị công ty (Hoàng Đình Phi và cộng sự, 2024) có thể tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, họ cũng cần chú trọng đến việc xây dựng một nền tảng công nghệ vững mạnh, có khả năng thích ứng linh hoạt và hỗ trợ sự phát triển bền vững trong mọi tình huống thay đổi.
Thông qua việc triển khai một chiến lược quản trị công nghệ hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn góp phần vào việc xây dựng nền kinh tế số và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhu cầu về tăng cường công tác quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục đích phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế đã được nhấn mạnh trong nhiều văn bản quản lý của Đảng và Nhà nước.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới năm 2030 được ban hành bởi quyết định số 569/QĐ-Ttg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra nhiệm vụ “Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo cho nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp ở các trình độ/ cấp độ khác nhau”.
Nghị quyết 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia càng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy yếu tố công nghệ và quản trị công nghệ trong quản trị doanh nghiệp. Quan điểm chỉ đạo quan trọng nhất là “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Một trong các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 57/NQ/TW đã nêu ra là “có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp”.
2. Một số khía cạnh chủ chốt của quản trị công nghệ
2.1. Xây dựng chiến lược phát triển và lựa chọn công nghệ
Việc lựa chọn công nghệ phù hợp là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để phát triển các chiến lược hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh và đảm bảo thành công lâu dài. Theo Utterback (1994), các doanh nghiệp thực hiện tốt quá trình lựa chọn công nghệ thường đạt được lợi thế đầu tiên trong thị trường. Quá trình ra quyết định bao gồm nhiều giai đoạn, bao gồm phân tích chiến lược, xây dựng tiêu chí và đánh giá các lựa chọn thay thế. Lập kế hoạch chiến lược đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi của các khoản đầu tư công nghệ, tập trung vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi nhuận (Rivard và cộng sự, 2006). Do tính phức tạp của việc lựa chọn công nghệ, các phương pháp ra quyết định đa tiêu chí là cần thiết để đánh giá các lựa chọn công nghệ khác nhau dựa trên các tiêu chí cụ thể. Những phương pháp này giúp các doanh nghiệp nhận diện các khoảng trống trong chiến lược công nghệ và thúc đẩy các quá trình ra quyết định hiệu quả hơn (Durmuţođlu vŕ Durmuţođlu, 2022).
2.2. Phát triển năng lực đổi mới công nghệ :
Đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì sự liên quan trong thị trường toàn cầu, đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tính thích ứng. Bằng cách triển khai hiệu quả các chiến lược đổi mới sáng tạo và xây dựng năng lực công nghệ, các doanh nghiệp có thể cải thiện quá trình ra quyết định, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng (Quispe và cộng sự, 2024). Sự phối hợp giữa quản lý chiến lược và đổi mới công nghệ còn góp phần vào sự phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh. Theo Freeman & Soete (1997), việc đổi mới sáng tạo liên tục trong công nghệ giúp doanh nghiệp duy trì vị thế dài hạn trong thị trường. Các công ty đồng bộ hóa nỗ lực đổi mới sáng tạo với mục tiêu chiến lược sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu của thị trường và vượt qua khủng hoảng (Tanjung và cộng sự, 2024).
2.3. Thực thi quản trị rủi ro công nghệ
Quản trị rủi ro công nghệ rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể đối phó với sự phức tạp và những bất định liên quan đến sự phát triển công nghệ. Theo Kaplan & Norton (2004), việc đánh giá và giải quyết rủi ro là một bước quan trọng trong quá trình quản trị công nghệ. Ví dụ, trong các công ty công nghệ thông tin, các chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả giúp giảm thiểu các mối đe dọa an ninh mạng, điều này ngày càng trở nên phổ biến, và đảm bảo các biện pháp bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng vững chắc. Tuân thủ các quy định cũng rất quan trọng để tránh các hậu quả pháp lý và duy trì tính toàn vẹn trong hoạt động (Lee, 2021). Hơn nữa, quản trị rủi ro giúp các doanh nghiệp phản ứng kịp thời với những thay đổi của thị trường, đảm bảo duy trì sự cạnh tranh (Tạp chí công thương, 2024). Trong khu vực công, một phương pháp quản trị rủi ro tích hợp, được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn như ISO 31000, là cần thiết để nâng cao quá trình ra quyết định và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nếu thay đổi lãnh đạo thường xuyên và các chỉ số rủi ro không rõ ràng sẽ khiến việc quản trị rủi ro hiệu quả trở nên phức tạp (Butenko, 2024).
3. Vai trò của quản trị công nghệ đối với khả năng cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp
3.1. Tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh
Quản trị công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách tận dụng các đổi mới kỹ thuật số và các phương pháp tiếp cận chiến lược. Theo Schumpeter (1934), “sự phá hủy mang tính sáng tạo” (creative destruction) giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng lợi thế cạnh tranh. Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến mang tính “thay đổi cuộc chơi” như IoT, AI và dữ liệu lớn cho phép các tổ chức tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí và gia tăng năng suất. Chuyển đổi số, chẳng hạn, giúp tăng tốc độ quy trình làm việc và cải thiện độ chính xác, từ đó giảm đáng kể chi phí và mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua đổi mới liên tục và khả năng thích ứng (Nazara và cộng sự, 2024). Theo Hammer & Champy (1993), việc tái cấu trúc quy trình công nghệ giúp giảm thiểu chi phí và tăng tốc độ phản hồi. Hơn nữa, việc triển khai thành công các công nghệ quản lý hiện đại đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mang tính chiến lược, dựa trên quy trình và định hướng rủi ro, nhấn mạnh sự phối hợp giữa công nghệ và quản trị chiến lược nhằm tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao hiệu quả tổng thể (Mishakov, 2018).
3.2. Tạo động lực cho đổi mới sáng tạo
Quản trị công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực khác nhau bằng cách quản trị hiệu quả các nguồn lực công nghệ và tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo là cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, vì các tổ chức có khả năng công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ tốt hơn việc phát triển sản phẩm mới và cải tiến quy trình (Rajan và cộng sự, 2021). Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ ban lãnh đạo là yếu tố quan trọng, vì cam kết của lãnh đạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả đổi mới sáng tạo, khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo và phân bổ nguồn lực cho các sáng kiến công nghệ (Rajan và cộng sự, 2021). Các chiến lược chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiệu quả cũng góp phần cải thiện đáng kể đổi mới sáng tạo về sản phẩm và quy trình, như đã được chứng minh trong các công ty sản xuất (Kalko và cộng sự, 2022). Cuối cùng, việc áp dụng các công nghệ mới nổi như AI và điện toán đám mây đã cách mạng hóa các mô hình hoạt động, đặc biệt trong ngành tài chính, thúc đẩy cả đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động (Rehan, 2024; Olorunyomi và cộng sự, 2024).
3.3 Tăng cường khả năng thích ứng và quản trị sự thay đổi (change management)
Quản trị công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khả năng thích ứng và quản trị sự thay đổi của các tổ chức, giúp họ phản ứng hiệu quả với sự thay đổi công nghệ và thị trường. Hơn nữa, điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc ứng phó chủ động với các rủi ro về công nghệ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một cấu trúc hỗ trợ và sẵn sàng thay đổi giúp nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt và chống chịu rủi ro và các đe dọa về an ninh công nghệ khác. Đầu tư vào đào tạo và xây dựng văn hóa thích ứng giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn (Riyadi và Anggoro, 2024). Công nghệ số như AI và dữ liệu lớn hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và nâng cao giao tiếp, chủ động ngăn ngừa các đe dọa công nghệ (Lu, 2024). Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực thay đổi nhanh như công nghệ tài chính (Ma và cộng sự, 2024). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần vượt qua các thách thức như sức ỳ và thiếu hụt kỹ năng để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ trong quản trị thay đổi.
4. Quản trị công nghệ trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam, công tác quản trị công nghệ cho khu vực doanh nghiệp đã được quan tâm khá sớm và đã có nhiều công cụ và nền tảng pháp lý thúc đẩy hoạt động này như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, hàng loạt các luật, nghị định, nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ, về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, về chuyển giao công nghệ, về sở hữu trí tuệ, v.v. Bước đầu những hoạt động này đã được đẩy mạnh và đem lại nhiều thành quả thiết thực. Bảng 2 cho thấy hiện trạng đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây.
Trong các đánh giá gần nhất về hiện trạng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, một số thông tin cụ thể về ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như sở hữu trí tuệ sẽ cho thấy bức tranh rõ hơn.
Ứng dụng và phát triển công nghệ
Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ thông qua chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và nhiều sự kiện như “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023”. Ngoài ra các địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là các trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2024).
Sở hữu trí tuệ
Trong những năm qua, hoạt động sáng chế của người Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2023, tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam đạt 9.460 đơn, tăng 8,52 % so với năm 2022. Trong đó, số đăng ký sáng chế của người Việt Nam đạt 991 đơn, tăng 96 đơn (tương đương 10,7 %) so với năm trước. Năm 2023, số lượng đăng ký sáng chế ở Việt Nam chủ yếu vẫn là của người nước ngoài, chiếm 89,52 % trong tổng số 9.460 đơn đăng ký. Trong khi đó, số đơn đăng ký của người Việt Nam chỉ chiếm 10,48 % (Bộ khoa học và Công nghệ 2024).
Chỉ số đổi mới sáng tạo – Global Innovation Index (GII)
Nhằm đánh giá và phân tích hiện trạng chung về đổi mới sáng tạo, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đã được triển khai cho Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Theo Báo cáo GII 2024, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo). Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo, thể hiện rất rõ về tỉ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong tổng chi nghiên cứu và phát triển, tăng cường liên kết viện – trường – doanh nghiệp, liên kết cụm.
Bên cạnh những cải thiện đáng kể năm 2024, Báo cáo GII 2024 cũng đã chỉ ra một số chỉ số cần tiếp tục được quan tâm. Có thể đơn cử một vài ví dụ. Các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như chỉ số hiệu quả thực thi pháp luật vẫn chưa có sự cải thiện, xếp hạng 72 như năm 2023. Về giáo dục và giáo dục đại học (2 nhóm chỉ số thuộc Trụ cột 2: Vốn con người và nghiên cứu), ngoài chỉ số tỷ lệ sinh viên nhập học đại học tăng 5 bậc, xếp hạng 78, các chỉ số còn lại trong 2 nhóm chỉ số này vẫn chưa có sự cải thiện. Nhóm chỉ số hạ tầng ICT chưa có chuyển biến đáng kể. Các chỉ số về năng lượng, môi trường sinh thái dù có cải thiện so với năm 2023 nhưng hiện vẫn có thứ hạng thấp. Nhóm chỉ số lao động có kiến thức không được cải thiện và có xu hướng giảm thứ hạng liên tục từ năm 2020 đến nay (Khoa học và công nghệ Việt Nam, 2024).
Một số dữ liệu của các nghiên cứu khác nhau đã cho thấy việc thiếu hụt một cấp độ năng lực công nghệ nhất định, không đầu tư theo chiều sâu vào NC-PT và đổi mới công nghệ, nhiều khi do không có một chiến lược công nghệ rõ ràng và phù hợp, đã ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam có được khả năng cạnh tranh cao hơn và cơ hội phát triển bền vững hơn. Các doanh nghiệp khi dựa vào hoạt động NC-PT và đổi mới công nghệ nhiều hơn sẽ đưa được năng suất lao động lên cao hơn (Trần Toàn Thắng, 2023). Đây là những nội hàm quan trọng của quản trị công nghệ trong doanh nghiệp cần được quan tâm phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
5. Một số khuyến nghị
5.1. Xây dựng chiến lược công nghệ
Doanh nghiệp cần đề ra chiến lược công nghệ rõ ràng, kết hợp công nghệ vào tất cả các khía cạnh hoạt động kinh doanh. Chiến lược công nghệ nên kết hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể, tập trung vào phát triển công nghệ, xây dựng năng lực công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ. Việc thiếu một chiến lược công nghệ sẽ dẫn đến các hoạt động về công nghệ của doanh nghiệp thường chạy theo giải pháp tình thế, mang tính bị động, vụn vặt, nhỏ lẻ và hiệu quả thấp, lãng phí và không bền vững.
5.2. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D)
Đầu tư vào R&D là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì vị trí dẫn đầu. Kết quả điều tra NC&PT của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, cho thấy tỷ trọng nguồn kinh phí từ Nhà nước trong tổng chi quốc gia cho NC&PT đã giảm xuống dưới 44,79 %, trong khi nguồn kinh phí từ khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh, từ gần 12 % năm 2015 lên 43,84 % năm 2021. Điều này chứng tỏ hiệu quả của việc đẩy mạnh xã hội hóa trong NC&PT. Một điểm tiến bộ đáng lưu ý khác là sự tham gia tích cực hơn so với trước đây của khu vực doanh nghiệp trong đầu tư vào NC&PT, chiếm trên 60% tổng kinh phí NC&PT quốc gia và xu thế này cần được tiếp tục khuyến khích.
5.3. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu cho hoạt động quản trị công nghệ.
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định số 118/QĐ-Ttg ngày 25/1/2021 đã đề ra mục tiêu tới năm 2030 đào tạo 10.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ cho hoạt động quản trị công nghệ, quản lý công nghệ trong các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan Nhà nước trong toàn nền kinh tế. Trong hoạt động này, các trường quản trị kinh doanh có năng lực đào tạo mạnh về quản trị công nghệ như HSB cần có vai trò quan trọng. Khuyến khích và hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn sâu về hệ thống kiến thức quản trị công nghệ ở cả 2 cấp độ: Quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp và tập trung vào quản trị công nghệ ở doanh nghiệp.
5.4. Đẩy mạnh thể chế hóa các quy định
Đẩy mạnh thể chế hóa các quy định, định hướng về quản trị công nghệ, quản trị đổi mới sáng tạo cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị. Gắn hoạt động của các tổ chức đào tạo, tư vấn, nghiên cứu gần hơn với việc phục vụ nhiều hơn nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ như đưa ra các biện pháp khuyến khích về tài chính cụ thể cho các tổ chức này thực hiện các hoạt động gần với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: giảm thuế, tài trợ, hoàn thuế. Đưa ra các phương pháp phù hợp để hỗ trợ quản trị công nghệ trong doanh nghiệp bằng việc giảm bớt khoảng cách về chính sách giữa khu vực Nhà nước và tư nhân. Loại bỏ các rào cản và các vấn đề do quản lý Nhà nước về công nghệ gây ra cho quản trị công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp. Tạo ra nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên vào lĩnh vực quản trị công nghệ hơn là chỉ dựa vào các hoạt động hỗ trợ chung. Thúc đẩy liên kết các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các tổ chức khác nhau như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, cac bộ ngành và địa phương liên quan và các tổ chức quốc tế, hỗ trợ các liên kết này tập trung vào những nội dung công nghệ.
5.5. Tăng cường liên kết
Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và với khu vực Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước nhằm tạo ra các liên minh công nghệ mạnh để giải quyết các bài toán của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Tổ chức các chương trình liên kết doanh nghiệp và phi doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động khác nhau như nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ. Liên kết doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nước ngoài (Công ty, Viện nghiên cứu, Đại học, Hiệp hội) thông qua các cơ chế xây dựng mạng lưới, có kèm theo các khuyến khích. Xây dựng một số mô hình tổ chức liên quan đặc biệt với việc hỗ trợ quản trị công nghệ và học hỏi về đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
6. Kết luận
Quản trị công nghệ không chỉ là một yêu cầu cần thiết mà còn là một yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Thông qua việc đổi mới sáng tạo, tăng cường hiệu quả và thích ứng linh hoạt, doanh nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế từ công nghệ. Việc áp dụng công nghệ một cách hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo, từ đó đáp ứng nhanh chóng các thay đổi của thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù đang đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về tài chính và nguồn nhân lực, vẫn có cơ hội để phát triển thông qua việc tận dụng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và hợp tác quốc tế. Để đạt được thành công lâu dài, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản trị công nghệ phù hợp, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác trong tổ chức. Thông qua việc triển khai một chiến lược quản trị công nghệ hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn góp phần vào việc xây dựng nền kinh tế số và thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
__________________________
Tài liệu tham khảo
Báo điện tử đại biểu nhân dân. 2024. https:// daibieunhandan.vn/bai-1-cong-cu-then-chot- trong-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben- vung-post392434.html
Bộ Khoa học và công nghệ (2024) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật.
Bộ Khoa học và công nghệ. 2022. https://www. most.gov.vn/vn/tin-tuc/22131/khai-thac-cong- nghe-phuc-vu-chien-luoc-phat-trien-cua-doanh- nghiep.aspx
Butenko, H. (2024). Risk management technology in the public sector: challenges and opportunities. Ekonomìka, fìnansi, pravo, 9(13). doi: 10.37634/efp.2024.9.2.
Cory (1996) in Handbook of Technology Management. Gaynor, G. McGraw-Hill.
Durmuţođlu, Z. D. U., & Durmuţođlu, A. (2022). Multi-Criteria Decision-making Methods for Technology Selection. In The Routledge Companion to Technology Management (pp. 199- 208). Routledge.
Freeman & Soete (1997) Eds. The economics of industrial innovation. Psychology Press.
Hammer & Champy (1993) Reengineering the Corporation: A Manifesto for Business Revolution, Harper Business Books, New York, 1993. ISBN 0-06-662112-7.
Harrison, D. A., Mykytyn Jr, P. P., & Riemenschneider, C. K. (1997). Executive decisions about adoption of information technology in small business: Theory and empirical tests. Information systems research, 8(2), 171-195.
Hoàng Đình Phi. (2019). Giáo trình quản trị công nghệ. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoang, P. D., Nguyen, L. T., Tran, B. Q., & Ta,T. (2024). Corporate governance for sustainable development in Vietnam: Criteria for SOEs based on MCDM approach. Plos one, 19(5), e0302306.
Kalko, M. M., Erena, O. T., & Debele, S. A. (2023). Technology management practices and innovation: Empirical evidence from medium- and large-scale manufacturing firms in Ethiopia. African Journal of Science, Technology, Innovation and Development, 15(1), 107-123.
Kaplan & Norton (2004) The Strategy Map: Guide to Aligning Intangible Assets. Strategy & Leadership, 32, 10-17. http://dx.doi. org/10.1108/10878570410699825.
Lee, I. (2021). Cybersecurity: Risk management framework and investment cost analysis. Business Horizons, 64(5), 659-671.
Lu, Y. (2024). Impact of Digital Technologies on Organizational Change Strategies: A Review. Research Journal in Business and Economics, 2(1), 01-11.
Ma, S., Sun, C., & Chen, G. (2024). Financial Technology Service Companies’ Innovation Change Management and Leadership-Driven Organizational Adaptability. Journal of Social Science and Cultural Development, 1(2).
Mishakov, V. Y., Beketova, O. N., Bykov, V. M., Krasnyaskaya, O. V., & Vitushkina, M. G. (2018). Management technologies to adapt modern principles of industrial enterprise’management. Journal of Advanced Research in Law and Economics, 9 (4 (34)), 1377-1381.
Nazara, D. S., Sutrisno, A., & Muslimin, M. (2024). Digital Transformation in Operations Management: Leveraging Technology to Improve Business Efficiency. Maneggio, 1(5), 77-84.
Olorunyomi, T. D., Okeke, I. C., Ejike, O. G., & Adeleke, A. G. (2024). Using Fintech innovations for predictive financial modeling in multi-cloud environments. Computer Science & IT Research Journal, 5(10), 2357-2370.
Quispe, R., Moreno, Z., & Julca, G. (2024). Technological innovation: key factors for business success. SCIÉNDO, 27(3).
Rajan, R., & Dhir, S. (2021). Technology management for innovation in organizations: an argumentation-based modified TISM approach. Benchmarking: An International Journal, 28(6), 1959-1986.
Rehan, H. (2024). Revolutionizing America’s Cloud Computing the Pivotal Role of AI in Driving Innovation and Security. Journal of Artificial Intelligence General science (JAIGS) ISSN: 3006- 4023, 2(1), 239-240.
Rivard, S., Raymond, L., & Verreault, D. (2006). Resource-based view and competitive strategy: An integrated model of the contribution of information technology to firm performance. The Journal of Strategic Information Systems, 15(1), 29-50.
Riyadi, S., & Anggoro, Y. (2024). The Effect of Change Management on Organizational Adaptability in The Age of Technology. Maneggio, 1(5), 85-97.
Schumpeter, J. (1934), The Theory of Economic Development, Harvard Economic Studies.
Tanjung, A., Andayani, D., Prayitno, I., Rahardja, U., & Anhar, S. (2024, August). Quantitative analysis of technological innovation and strategic management in key research areas. In 2024 3rd International Conference on Creative Communication and Innovative Technology (ICCIT) (pp. 1-8). IEEE.
Tạp chí Cộng sản. 2021. https://www. tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du- thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua- dang/-/2018/824511/view_content
Tạp chí Công thương. (2024). https:// tapchicongthuong.vn/canh-tranh-thi-truong-va- hieu-qua-hoat-dong–vai-tro-truyen-dan-cua- thong-tin-ke-toan-quan-tri–quan-tri-rui-ro-va- doi-moi-to-chuc-tai-cac-doanh-nghiep-viet- nam- 122592.htm.